Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

(Dân sinh) - Với nguồn hỗ trợ từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, những năm qua, nhiều người dân ở Thanh Hóa đã xây dựng các mô hình kinh tế gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập. Vốn vay chính sách trở thành động lực quan trọng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống. Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình cho vay vốn hộ nghèo (bao gồm cả cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP), giai đoạn 2016-2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 73.857 hộ nghèo được vay vốn với số tiền 2.726 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, đã có 77.718 hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền là 3.285 tỷ đồng, mức cho vay bình quân 42 triệu đồng/hộ. Từ năm 2016 đến nay, đã có 42.284 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền là 1.834 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra sử dụng vốn vay tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc

Đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, là thân nhân của người có công với cách mạng, bị thu hồi đất và người lao động thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Từ năm 2016 đến nay, đã có 994 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, với tổng kinh phí 76,673 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến 2019, 3.246 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề được vay vốn, với tổng kinh phí 140,785 tỷ đồng…

Được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, anh Vi Văn Thuấn ở thôn Làng Trung, xã Thanh Quân chia sẻ: "Gia đình được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Xuân để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này cộng với vốn tự có, gia đình tôi đã mua 4 con bò cái sinh sản. Sau hơn 1 năm, đàn bò của gia đình tôi đã sinh sản thêm 2 con bê. Hiện nay gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo".

Với gia đình anh Nguyễn Văn Cường (SN 1987) thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân bị khuyết tật, lại thiếu đất canh tác, cuộc sống hết sức khó khăn. Để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình anh đã mạnh dạn mượn đất để canh tác, tăng thu nhập. Được Nhà nước hỗ trợ vốn, anh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội mua một con trâu sinh sản, động viên các thành viên trong gia đình siêng năng, chăm lo phát triển kinh tế. Dẫu vậy, cái nghèo, cái khó vẫn bám riết bởi nhiều thành viên trong gia đình còn ở tuổi phụ thuộc; bố, mẹ đẻ già yếu và bệnh tật. Nhờ tiếp cận chính sách vay vốn đi xuất khẩu lao động không mất phí, vợ anh Cường đã đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ nguồn vốn vợ gửi về 10 triệu đồng/tháng, anh Cường đầu tư chăn nuôi đàn bò sinh sản. Sau nhiều năm, hiện gia đình anh đã nhân đàn lên được hàng chục con trâu, bò. Chăn nuôi an toàn cho thu nhập ổn định, gia đình anh Cường đạt thu nhập 3,2 triệu đồng/người/tháng và được công nhận hộ thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh Cường có tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những kết quả trên đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, trên địa bàn…" – ông Trứ thông tin. 

Ông Lê Minh Hành, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm: Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm bình quân 2,5%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Kết quả thống kê sơ bộ, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của hộ nghèo đạt khoảng 1,487 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,17 lần cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1,713 triệu đồng/người/tháng. Như Xuân đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a. Năm 2016, toàn tỉnh có 100 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên, đến nay chỉ còn 7 xã và dự kiến đến cuối năm 2020 không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên".