Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Xuất hiện vết nứt dài hơn 170m ở thân đập hồ sông Mực

(Dân sinh) - Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trước đó, giữa tháng 9/2020, xuất hiện vết nứt khoảng 173m, chạy dọc thân đập hồ sông Mực, huyện Như Thanh (Thanh Hóa).

Hồ sông Mực được xây dựng từ năm 1977, có dung tích chứa gần 200 triệu m3 nước, có nhiệm vụ cắt lũ cho sông Yên, cấp nước tưới cho hơn 11.000 ha sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cho 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Thanh Hóa: Xuất hiện vết nứt dài hơn 170m ở thân đập hồ sông Mực - Ảnh 1.

Đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát khắc phục sự cố nứt thân đập hồ sông Mực ngày 7/10

Trước đó, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, từ giữa tháng 9/2020, xuất hiện vết nứt khoảng 173 m, chạy dọc thân đập hồ sông Mực.

Vào ngày 7/10, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương cùng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá đã kiểm tra, khảo sát mặt đê hồ sông Mực.

Tại hiện trường, theo ghi nhận, chiều rộng vết nứt từ 2 đến 3 cm, chiều sâu trung bình khoảng 1m ăn sâu vào thân đập. Hiện tại, vết nứt đã được che bạt để chống nước mưa tràn vào sâu lòng thân đập. Đơn vị quản lý hồ sông Mực là Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu đã lập chốt khống chế tải trọng, cấm xe ô tô, xe tải lưu thông qua đập. Đồng thời, cử người theo dõi 24/24 giờ để phát hiện và báo cáo kịp thời khi có sự cố.

Sáng 14/10, thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá cho biết, do ảnh hưởng của bão số 7, đến 7h ngày 14/10 mưa đã xảy ra trên diện rộng tại Thanh Hóa (trừ trạm thủy văn Mường Lát chưa có mưa), lượng mưa phổ biến từ 1-14mm.

Mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang dưới báo động I. Đến 19h ngày 13/10 toàn tỉnh Thanh Hóa với 7.211 phương tiện và 26.616 lao động, hiện nay tất cả các phương tiện đã vào nơi tránh trú bão an toàn.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ 14 đến 16/10 ở khu vực đồng bằng ven biển Thanh Hóa, Nghệ An… có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, cá biệt có nơi trên 400mm/đợt.

Để hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 7 gây ra, chiều 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Công điện khẩn số 25/CĐ-UBND, chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng chủ động và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với cơn bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền. Từ 19h ngày 13/10 đến khi bão suy yếu và tan dần, tỉnh Thanh Hóa cấm tất cả các phương tiện hoạt động trên biển.