Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thành Phố Quy Nhơn (Bình Định): Quan tâm thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa"

(Dân sinh) - Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội thành phố Quy Nhơn, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong thời gian qua công tác Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể hết sức quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần xoa dịu, bù đắp sự hy sinh của các gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công với cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thành Phố Quy Nhơn (Bình Định): Quan tâm thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa" - Ảnh 1.

Ông Ngô Hoàng Nam, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn thăm hỏi, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhường ở phường Trần Phú nhân dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2019

Hiện nay thành phố Quy Nhơn có 5.287 người có công, trong đó có 16 mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống, 2 cán bộ cách mạng lão thành, 21 cán bộ tiền khởi nghĩa, 4 anh hùng lực lượng vũ trang, 2.753 thương bệnh binh. Hàng tháng đã kịp thời giải quyết các chế độ chính sách cho người có công và thân nhân của họ với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Nhân các ngày lễ tết, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức các đoàn đi thăm hỏi các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau thường xuyên. Thực hiện chi trả chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà luân phiên cho năm 2019 cho 2.301 đối tượng với kinh phí hơn 2,55 tỷ đồng.


Năm nay, nhân dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 và Quốc khánh 2/9, tỉnh và thành phố đã đi thăm, tặng 227 suất quà, số tiền 182 triệu đồng cho các gia đình chính sách người có công với cách mạng, gia đình cơ sở cốt cán thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Thực hiện kịp thời quà tặng của Chủ tịch nước cho 5.200 suất quà cho người có công với kinh phí 1,064 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở cho người có công đã được thành phố quan tâm thực hiện theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đến nay cơ bản hỗ trợ gần xong, với tổng số được hỗ trợ là 135 hộ, với kinh phí 3,56 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội thành phố rà soát các hộ gia đình chính sách có nhà ở hư hỏng, xuống cấp, có nhu cầu cần được hỗ trợ kinh phí xây dựng sửa chữa để thực hiện hỗ trợ từ nguồn Đền ơn đáp nghĩa, với mức hỗ trợ sửa chữa 20 triệu đồng/nhà và xây mới 40 triệu đồng/nhà. 

Với quan điểm không để người có công cách mạng có nhà ở xuống cấp, hư hỏng, mỗi năm có khoảng 10 nhà người có công được hỗ trợ sửa chữa và 2-5 nhà xây mới, với kinh phí 200-250 triệu đồng/năm. Đến nay hầu hết nhà ở người có công trên địa bàn thành phố đều được đảm bảo, khang trang, góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao đời sống tinh thần đối với người có công. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Lan, đây là điểm nổi bật trong công tác Đền ơn đáp nghĩa của thành phố Quy Nhơn trong thời gia qua.

Ngoài ra, đối với các nghĩa trang liệt sỹ do các xã phường xã quản lý (như xã Phước Mỹ, Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu) cũng luôn được quan tâm tôn tạo, chỉnh trang với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Đến nay hầu hết các nghĩa trang liệt sỹ đã được duy tu, sửa chữa nghiêm trang, sạch đẹp phục vụ cán bộ và nhân dân, thanh thiếu niên đến viếng thăm nhân các ngày lễ, tết góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thành Phố Quy Nhơn (Bình Định): Quan tâm thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định thăm hỏi, tặng quà thương binh Phan Chánh tại phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn

Các cơ quan Mặt trận, hội đoàn thể, cơ quan ban ngành, các tổ chức doanh nghiệp từ thành phố đến phường xã cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần đền đáp công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sỹ và thân nhân của họ đã hy sinh xương máu để đem lại hòa bình, độc lập tự do cho các thế hệ hôm nay như tiếp tục phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, thăng tặng quà nhân các ngày lễ, khám chữa bệnh cấp thuốc cho người có công ở các xã miền núi, đảo, bán đảo… 

 Theo bà Nguyễn Thị Lan, để phong trào Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, chăm lo đời sống gia đình chính sách trở thành hoạt động thường xuyên và ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian đến thành phố tiếp tục triển khai quán triệt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công đến các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, xem công tác chăm lo đời sống người có công là nội dung quan trọng của phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân tiếp tục phát huy kết quả đạt được tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho người có công cách mạng, nhất là các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh…thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sỹ, những người có công với cách mạng đã chịu nhiều mất mát hy sinh để đem lại hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc.