Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thành phố Thủ Đức: Cơ hội và thách thức

(Dân sinh) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ 4 đề án đột phá của TP.HCM, trong đó có Đề án thành lập thành phố Thủ Đức và Đề án phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM mà còn là cơ sở để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào TP.HCM. Tuy nhiên, bài toán cho đề án này là những thách thức cần có giải pháp đồng bộ tháo gỡ.

"Giấc mơ" thay đổi diện mạo cho TP.HCM

Tại Hội nghị lần thứ 43, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh từ yêu cầu hình thành một vùng tăng trưởng mới, TP.HCM đề xuất hợp nhất 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thành một TP trực thuộc TP.HCM, với tên gọi "TP. Thủ Đức". 

Theo đó, TP. Thủ Đức dự kiến có diện tích 21.000ha và có hơn 1 triệu dân, tức chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TP.HCM, được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM thực hiện “giấc mơ” chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ... mà gần 2 thập niên qua TP chưa thực hiện được. Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM, trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Thành phố Thủ Đức: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Việc lập Thành phố Thủ Đức giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TP.HCM trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao.

Theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, việc lập TP. Thủ Đức giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TP.HCM trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh...

Không chỉ người dân 3 quận (2, 9, Thủ Đức) hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp TP.HCM có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn. Vì vậy, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh thành lập TP. Thủ Đức không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 trên cơ sở địa giới hành chính.

Mà cần xác định Thủ Đức là thành phố nằm ở cửa ngõ phía Đông, kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên định hướng phát triển không thể tách rời các đô thị lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch...

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP. HCM cho rằng, TP. Thủ Đức là vùng động lực phát triển mới bởi khu vực này đáp ứng đầy đủ các yếu tố để phát triển thành một khu đô thị đặc thù đầu tiên của TP.HCM. Khu vực này là nơi tập trung ba trục động lực lớn nhất, nổi bật nhất và quan trọng nhất, với mục tiêu là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, có tính tương tác cao.

Động lực đầu tiên là khu đô thị Thủ Thiêm tại quận 2, thành phố đang có đề án xây dựng nơi đây thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây sẽ là trục động lực về kinh tế - tài chính đặc biệt quan trọng. Thứ hai là trục động lực về khoa học công nghệ, chính là Khu công nghệ cao tại quận 9 - sẽ là nơi cung cấp các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao, nơi ươm mầm khởi nghiệp; đồng thời thu hút rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc và sinh sống.

Thứ ba là trục động lực về giáo dục đào tạo với cụm Đại học Quốc gia và hàng loạt trường đại học tại TP. HCM, tập trung tại làng đại học Thủ Đức. Nơi đây sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ba trục động lực này có sự tương tác, hỗ trợ qua lại lẫn nhau và rất khớp nhau. Trong khi khu đô thị Thủ Thiêm tập trung nguồn lực tài chính thì làng đại học sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho Khu công nghệ cao. Những sản phẩm công nghệ quay lại phục vụ cho sự phát triển của thành phố…

Bài toán kinh tế, hạ tầng và nguồn nhân lực

Ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức ở phía Đông TP.HCM, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP cho biết từ năm 1993, lãnh đạo TP đã có xu hướng phát triển TP về phía Đông. Nay đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện ý tưởng này. Song trước tiên phải tìm cho ra những khó khăn, thách thức để có giải pháp vượt qua.

Thành phố Thủ Đức: Cơ hội và thách thức - Ảnh 3.

Về mặt tiềm lực để phát triển, giá trị đầu tư cho các đô thị phát triển mới trên thế giới rất lớn. (ảnh: Hải Long)

Đầu tiên là mô hình thành phố trong thành phố về mặt luật pháp không sai, nhưng một thành phố trực thuộc tỉnh là cấp huyện, vậy thành phố trực thuộc thành phố là cấp nào và đi liền theo đó là một loạt chính sách theo các cấp hành chính. Nên đặt ra và so sánh giữa phương án lập 1 đơn vị hành chính thành phố và phương án khác không lập 1 đơn vị hành chính, vẫn là 3 đơn vị hành chính nhưng có 1 cơ quan phát triển chung, do thành phố trực thuộc chỉ đạo. Nên có những phương án như vậy và từng phương án có nội dung cụ thể để so sánh, từ đó sẽ tìm ra mô hình tổ chức phù hợp để triển khai kế hoạch này.

Về mặt tiềm lực để phát triển, giá trị đầu tư cho các đô thị phát triển mới trên thế giới rất lớn. Và ở đây đặt ra thách thức lớn nhất cho chúng ta là tiền ở đâu, kinh phí ở đâu để làm? Trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần dần lên. Nhưng đất đai ở khu vực này hiện tại đang có tình trạng đầu cơ, khai thác như thế nào là thách thức. TS Kim Cương nhấn mạnh.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, về mặt tổ chức chính quyền của TP. Thủ Đức, không nên bỏ cấp quận mà vẫn giữ ba quận này, vì quy mô thành phố quá lớn, bỏ cấp quận là không phù hợp. Tuy nhiên, có thể tính toán giảm cấp phường vì theo tiêu chí đô thị thông minh thì tới đây nhiều thủ tục hành chính ở phường được thực hiện qua công nghệ số. 

"Vậy có thể tính toán đề xuất cơ chế chủ tịch thành phố Thủ Đức tới đây ngang cấp với phó chủ tịch UBND TP. HCM được không? Thành phố Thủ Đức trong tương lai, cần cơ chế đặc thù như thế nào…", vị kiến trúc sư đề xuất.

Thành phố Thủ Đức: Cơ hội và thách thức - Ảnh 4.

Ông Châu kiến nghị chính quyền TP cần có giải pháp để tạo cơ hội cho người dân sống lâu năm tại các quận trên phải được hưởng lợi trước nhất, tránh để họ "bán lúa non" (ảnh: Hải Long)

Chia sẻ về thách thức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, khi có thông tin chấp thuận chủ trương thành lập TP.Thủ Đức, tình trạng đầu cơ, thổi giá, phân lô bán nền tràn lan hiện nay mà chưa được kiểm soát tốt.

Ông Châu kiến nghị chính quyền thành phố cần có giải pháp để tạo cơ hội cho người dân sống lâu năm tại các quận trên phải được hưởng lợi trước nhất, tránh để họ "bán lúa non". Đồng thời, tạo ra cơ hội như có quỹ đất lớn đón các nhà đầu tư tầm cỡ nhằm phát triển các dự án mang tính đồng bộ, có tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển chung của TP mới. Đặc biệt, cần sớm công bố các thông tin quy hoạch thật nhanh, đầy đủ, chi tiết và công khai để mọi người dân nắm càng nhanh càng tốt, hạn chế việc đầu cơ, gây sốt ảo trên thị trường BĐS.