Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Thầy tu" có thể thiếu... "chiếc áo"?

(Dân sinh) - Ngạn ngữ phương Tây có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Đó là một trong những lập luận của không ít người khi “phản biện” việc công chức Sở Văn hóa -Thể thao Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân đi làm việc.

Đúng là người dân trông đợi ở lực lượng công chức rất nhiều, muốn họ phải thể hiện đúng chức phận "công bộc" của dân, phải có thái độ hành xử chuẩn mực, kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả… 

Và để có được điều này, dù công chức có mặc vest hay áo dài thì đều không có nhiều ý nghĩa.Tuy nhiên, vấn đề không hẳn chỉ là chức trách của người công chức, mà theo trình bày của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh này, đó là một việc làm nhằm bảo tồn di sản truyền thống. Lâu nay, mọi người cả trong và ngoài nước đã không tiếc lời ca ngợi vẻ đẹp nền nã, thướt tha của tà áo dài phụ nữ Việt. 

“Thầy tu” có thể thiếu... “chiếc áo”? - Ảnh 1.

Dù công chức có mặc vest hay áo dài thì đều không có nhiều ý nghĩa. (Ảnh minh họa).

Nhưng có vẻ nhiều người đã quên mất vẻ đẹp của bộ áo dài - khăn đóng từng gắn liền với người đàn ông Việt trong tư cách là bộ lễ phục - thường mặc trong những dịp trang trọng. Cũng như tà áo dài với phụ nữ Việt, trang phục áo dài - khăn đóng với đàn ông Việt từng được coi là hiện thân của tính tình, tập tục, văn hóa truyền thống. Với đa số người Việt trong thời hiện đại, dường như hình ảnh khăn đóng - áo dài gắn với người đàn ông đã bị lãng quên. Đi cùng với đó là nhiều sự lãng quên khiến nét đẹp truyền thống của người đàn ông Việt Nam ít nhiều bị mai một. 

“Thầy tu” có thể thiếu... “chiếc áo”? - Ảnh 2.

Ngạn ngữ phương Tây có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Đúng là trong thời hiện đại, với nhịp sống khẩn trương, với phương tiện giao thông chủ yếu là cơ giới, việc mặc áo dài ngũ thân ít nhiều có những bất tiện. Nhưng chỉ cần mỗi tuần mặc 1 lần vào ngày đầu tuần - ngày mà mọi công sở đều tổ chức lễ chào cờ, việc nam công chức mặc áo dài cho thêm phần trang trọng, để nhắc nhớ lại truyền thống hẳn là điều không sai - nếu không nói là cần thiết, nhất là với công chức ngành văn hóa.

Hơn nữa, những công chức ngành văn hóa có những đặc thù công việc và họ cần có một hình thức phù hợp. Với họ, "thầy tu" vẫn cần có một "chiếc áo" để thể hiện được chức năng của mình.Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định rất sâu sắc: "Truyền thống có một đặc điểm là rất bền vững nhưng cũng rất mong manh. 

Nếu không có nhiều phương thức bảo tồn truyền thống, di sản, nó sẽ bị rơi về phía mong manh". Do đó, cách của Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên - Huế thậm chí có thể là một cách làm hay, đáng khuyến khích. Bởi nó đưa chiếc áo dài ngũ thân được sống trong đời sống thực, chứ không phải cho nó vào tủ kính của viện bảo tàng, chỉ để ngắm...