Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế giới có trên 533,83 triệu người mắc COVID-19

Đến sáng 3/6, thế giới có trên 533,83 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,31 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến sáng 3/6, thế giới có trên 533,83 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,31 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 86,18 triệu ca mắc và hơn 1,032 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 37.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, gần 60% số ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 7 ngày vừa qua là do nhiễm BA.2.12.1, dòng phụ mới của biến thể Omicron. BA.2.12.1, tiến hóa từ BA.2, được cho là lây lan nhanh hơn so với tất cả các dòng phụ trước đó của Omicron. Cuối tháng 3, dòng phụ biến thể Omicron này chỉ chiếm 3,4% số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ. Tuy nhiên, theo CDC Mỹ, tỷ lệ này đã tăng lên 31,8% vào cuối tháng 4 và 59,1% vào cuối tháng 5.

Ngày 2/6, Bộ Y tế Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, đã báo cáo 3.712 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong gần một tháng. Số trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Ấn Độ tăng lên là do số ca mắc mới cao kỷ lục được ghi nhận tại trung tâm tài chính Mumbai của nước này. Thành phố Mumbai đã báo cáo thêm 739 người mắc COVID-19 trong ngày 1/6, cao gấp 2 lần con được xác nhận chỉ hai ngày trước đó với 318 bệnh nhân.

Đến nay nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,16 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.600 trường hợp thiệt mạng.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 666.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,06 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

3% dân số Anh, tương đương 2 triệu người, đã mắc COVID-19 kéo dài. (Ảnh: AP)

3% dân số Anh, tương đương 2 triệu người, đã mắc COVID-19 kéo dài. (Ảnh: AP)

 

Khoảng 2 triệu người Anh, tương đương 3% dân số, đã trải qua COVID-19 kéo dài. Đây là số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố.

Trong số các triệu chứng của COVID-19 kéo dài, mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất với khoảng 55% người mắc phải, sau đó là khó thở với 32%, ho và đau cơ 23%. Độ tuổi có tỷ lệ người mắc COVID-19 kéo dài nhiều nhất là từ 35 đến 69 tuổi. Phụ nữ, những người ở các khu vực thiếu thốn, người làm trong các ngành nghề như chăm sóc xã hội, giảng dạy, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng là những đối tượng dễ mắc COVID-19 kéo dài hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 2/6 đã có cuộc họp với các thủ hiến bang nhằm thảo luận về đại dịch COVID-19 và một số vấn đề khác. Trước khi diễn ra cuộc họp, đại diện các bang đã kêu gọi sửa đổi luật phòng chống lây nhiễm trước nguy cơ một làn sóng COVID-19 mới có thể xảy ra vào mùa thu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Đức Karl Lauterbach tuyên bố, Chính phủ Đức đang bàn thảo chiến lược cho kịch bản số ca lây nhiễm có thể tăng trong mùa thu - đông tới, trong đó có chiến dịch tiêm chủng mới, quy định xét nghiệm và một số sửa đổi trong luật phòng chống lây nhiễm.

Làn sóng dịch COVID-19 tiếp theo có thể xảy ra tại Singapore trong vài tháng tới là cảnh báo được Bộ trưởng Bộ Y tế nước này đưa ra vào ngày 2/6. Singapore đã ghi nhận 3 trường hợp đầu tiên nhiễm các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron vào ngày 15/5.

Để đối phó với làn sóng dịch tiếp theo có thể diễn ra vào tháng 7 và tháng 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore đã vạch ra chiến lược là đảm bảo các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, tăng công suất giường bệnh và cải thiện tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, tình hình dịch COVID-19 ở Triều Tiên đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt lên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, làn sóng COVID-19 ở nước này đã giảm bớt, sau khi số lượng ca sốt hàng ngày lên đến 390.000 người vào khoảng hai tuần trước.

Bình Nhưỡng chưa bao giờ trực tiếp xác nhận có bao nhiêu người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng các chuyên gia nghi ngờ, báo cáo của Triều Tiên có thể chưa chính xác khi số liệu được công bố thông qua các phương tiện truyền thông do Chính phủ nước này kiểm soát chưa đầy đủ, gây khó khăn cho việc đánh giá quy mô thực tế của tình hình dịch bệnh.

Nhật Bản đã nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào nước này. (Ảnh: AP)

Nhật Bản đã nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào nước này. (Ảnh: AP)

 

Từ ngày 1/6, Nhật Bản đã cho phép tăng gấp đôi số người nhập cảnh lên 20.000 người mỗi ngày, việc nới lỏng được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại nước này đang dần được kiểm soát. Bên cạnh việc tăng số người nhập cảnh mỗi ngày, Nhật Bản cũng đã bắt đầu dỡ bỏ quy định cách ly và xét nghiệm bắt buộc đối với những người nhập cảnh từ 98 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc vùng xanh, tức là vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 thấp.

Quy định miễn cách ly và nhập cảnh được thực hiện cả với các đối tượng chưa được tiêm vaccine, còn các quốc gia thuộc vùng vàng, trong đó có Việt Nam, sẽ được miễn cách ly nếu đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Cùng với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, Nhật Bản sẽ bắt đầu mở cửa cho du khách nước ngoài từ ngày 10/6 tới với một số điều kiện nhất định. Theo đó, du khách sẽ phải đăng ký tour du lịch theo nhóm qua các công ty lữ hành được cấp phép, có hướng dẫn viên du lịch đi kèm, phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định khi tới Nhật Bản.

Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi ngày 2/6 đã công bố phân tích mới nhất cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 ở lục địa này trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm gần 94% so với năm 2021. Kết quả phân tích được công bố trong tuần này trên tạp chí khoa học Lancet Global Health dự báo, đến cuối năm nay sẽ có khoảng 23.000 ca tử vong nếu các biến thể hiện tại và động lực lây nhiễm không đổi, trong khi số ca bệnh ước tính cũng giảm hơn 25% trong năm nay.

Theo phân tích, khu vực châu Phi có 113.102 ca tử vong do COVID-19 được báo cáo qua các kênh chính thức trong năm 2021. Tuy nhiên, khoảng 1/3 trường hợp tử vong đã bị bỏ sót và số bệnh nhân không qua khỏi trên thực tế là khoảng 350.000 người. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, tính đến tối 1/6, tổng số ca COVID-19 được ghi nhận ở châu lục này đã lên tới 11.648.334 trường hợp kể từ khi dịch bệnh bùng phát.