Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế giới ghi nhận trên 284.000 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 284.000 ca mắc COVID-19 và 834 ca tử vong, giảm so với những ngày trước đó. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 513 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu ca tử vong.

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 284.000 ca mắc COVID-19 và 834 ca tử vong, giảm so với những ngày trước đó. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 513 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Italy (40.757 ca), Hàn Quốc (37.771 ca) và Pháp (36.726 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (147 ca), Italy (105 ca) và Thái Lan (91 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tuổi thọ trung bình của người dân châu Âu năm 2020 là 80,4 tuổi, giảm 0,9 năm so với năm 2019. Nguyên nhân được cho là do COVID-19. Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, tuổi thọ trung bình ở phần lớn các nước thành viên EU đã giảm. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của nữ giới được ghi nhận là 83,2 tuổi, tuổi thọ trung bình nam giới là 77,5 tuổi.

Theo số liệu này, sự suy giảm tuổi thọ ở nam giới là 1 tuổi, trong khi nữ giới bị giảm 0,8 năm tuổi thọ. Cũng theo dữ liệu mới nhất ghi nhận vào năm 2020, tuổi thọ trung bình đã giảm ở 23 trong số 27 quốc gia thành viên EU, với ngoại lệ là Đan Mạch, Estonia, Phần Lan và Cộng hòa Czech.

Bộ Y tế New Zealand ngày 1/5 thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron. Đó là một người vừa nhập cảnh. Bên cạnh đó, New Zealand cũng ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm các biến thể dòng phụ BA.2.12.1 và BA 2.12.2 của Omicron là hai người nhập cảnh nước này trong tháng 4.

Trước đó, vào ngày 23/4, New Zealand phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể XE kết hợp của hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron. Theo Bộ Y tế New Zealand, đây là người từ nước ngoài trở về New Zealand hôm 19/4 và đã được xét nghiệm một ngày sau đó. Người này hiện đã được cách ly điều trị tại nhà. Bộ Y tế New Zealand cho biết, biến thể XE đang lây lan ở nước ngoài, do đó việc New Zealand phát hiện ca nhập cảnh đầu tiên là điều đã được lường trước.

New Zealand phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể XE. (Ảnh: AP)

New Zealand phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể XE. (Ảnh: AP)

 

Đại dịch COVID-19 vẫn còn khả năng lây lan rất cao với xu hướng ổn định. Đây là báo cáo mới được Cơ quan y tế quốc gia Bồ Đào Nha (DGS) đưa ra.

Giới chức y tế Bồ Đào Nha đã khuyến nghị tiếp tục duy trì giám sát dịch tễ học và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân ở những nhóm nguy cơ cao cũng như tiếp tục tiêm mũi tăng cường vaccine phòng bệnh. Theo báo cáo dịch tễ học gần nhất từ DGS, Bồ Đào Nha ghi nhận 57.267 mắc mới và 119 người tử vong trong tuần qua. Tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày gần nhất là 556 ca/100.000 dân, giảm trung bình khoảng 5%, chỉ số lây lan khoảng 1,02. Bên cạnh đó, 1.208 người Bồ Đào Nha đã nhập viện vì COVID-19, về cơ bản là giống tuần trước, với 49 người trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Trong tuần này, Chính phủ Bồ Đào Nha đã tuyên bố kết thúc chương trình xét nghiệm miễn phí COVID-19, chỉ tập trung xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng và những nhóm dễ chịu tổn thương nhất.

Đến nay, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng trên 3,32 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 29.000 ca tử vong.

Nhằm tạo sự thống nhất và tham gia của toàn xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm mới và số người tử vong do COVID-19 tại Lào liên tục giảm, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 đã ra thông báo tham khảo ý kiến của người dân về khả năng mở cửa trở lại các cửa khẩu đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào mới đây đã kiến nghị Chính phủ nước này cho phép nới lỏng một loạt quy định phòng chống COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách muốn nhập cảnh Lào kể từ đầu tháng 5 tới. Tại phiên họp thường kỳ trước đó, Chính phủ Lào cũng đã đồng ý trên nguyên tắc việc cho phép mở cửa hoàn toàn đất nước để đón khách du lịch nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và tạo thu nhập cho người dân.

Hàn Quốc bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5. (Ảnh: AP)

Hàn Quốc bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5. (Ảnh: AP)

 

Từ ngày 2/5, Hàn Quốc sẽ bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, ngoại trừ các sự kiện tập trung từ 50 người trở lên. Đây là bước đi tiếp theo của Hàn Quốc để người dân có thể thực sự trở lại với cuộc sống bình thường sau khi nước này đã bãi bỏ hầu hết các quy định về giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4.

Ngày 1/5, Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở dưới ngưỡng 40.000 ca, đánh dấu đà giảm đều từ đầu tháng 4, cho phép Chính phủ nước này cân nhắc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi ra đường. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (KDCA), con số mắc mới là 37.771 ca mắc mới, trong đó 30 trường hợp nhập cảnh. Con số này thấp hơn đáng kể so với 43.286 của ngày 30/4 và 50.568 trong ngày 29/4 và là số thấp nhất theo ngày trong 12 tuần qua. Trước thực tế này, Hàn Quốc dự kiến dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang từ ngày 2/5, trừ những sự kiện có trên 50 người tham gia. Đây là động thái mới nhất nhằm đưa quốc gia Đông Bắc Á trở lại cuộc sống bình thường như trước khi đại dịch bùng phát.

Giới chức Bắc Kinh, Trung Quốc thông báo, chính quyền thành phố sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 với các quy định xét nghiệm bổ sung trong bối cảnh sắp bắt đầu đợt nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động 1/5 kéo dài 5 ngày. Thông thường đợt nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động kéo dài 5 ngày là một trong những thời gian ghi nhận lưu lượng di chuyển đông nhất Trung Quốc, nhưng kỳ nghỉ năm nay có vẻ "đìu hiu" hơn do lệnh phong tỏa của Chính phủ nhằm kiểm soát làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục đã tiêm ngừa COVID-19 cho hơn 88% trong số 1,4 tỷ người đủ điều kiện tiêm chủng tại nước này với các loại vaccine không bào chế theo công nghệ mRNA. Trung Quốc đã không chấp thuận sử dụng bất kỳ loại vaccine nào do quốc gia khác bào chế, mặc dù dữ liệu thực tế cho thấy, hai sản phẩm do Trung Quốc sản xuất được sử dụng nhiều nhất của Sinopharm và Sinovac có hiệu quả ngừa bệnh COVID-19 thấp hơn so với hai loại vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna.