Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế giới ghi nhận trên 895.000 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 895.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 278 triệu ca, trong đó trên 5,39 triệu ca tử vong.

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 895.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 278 triệu ca, trong đó trên 5,39 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 221.000 ca), Anh (119.789 ca), và Pháp (91.608 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.002 ca), Mỹ (910 ca) và Ba Lan (616 ca).

Như vậy, trong hai ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ đều vượt mốc 200.000 ca/ngày, cho thấy tốc độ lây lan của biến thể Omicron đáng báo động. Tính từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ đã có trên 52,7 triệu ca mắc và trên 834.000 ca tử vong.

Tại Anh, số ca mắc mới hàng ngày cũng vượt mốc 100.000 ca trong hai ngày qua. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng 11,7 triệu ca mắc và trên 147.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh, giới khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để thu thập các dữ liệu về biến thể này. Một số ý kiến cho rằng thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm biến thể Omicron có thể ngắn hơn so với các biến thể từng biết tới trước đó. 

Đối với bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng thời gian trung bình để một người tiếp xúc với virus và xuất hiện các triệu chứng bệnh là 4-5 ngày, mặc dù quãng thời gian này có thể kéo dài đến 14 ngày ở một số trường hợp. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,76 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 478.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Chính phủ Ấn Độ ngày 23/12 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của các quan chức hàng đầu Chính phủ, chuyên gia ngành y, giới hoạch địch chính sách và tham mưu từ trung ương đến địa phương nhằm thống nhất cách thức tiếp cận và đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 mới với biến thể Omicron tại thủ đô New Delhi.

Bộ Y tế Ấn Độ đã ghi nhận hơn 210 ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này. Hai bang Maharashtra và Delhi báo cáo số ca nhiễm Omicron cao nhất, tiếp theo là Telangana, Karnataka, Rajasthan, Kerala và Gujarat. Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ đã viết một bức thư gửi tới lãnh đạo các địa phương và vùng lãnh thổ để cảnh báo và yêu cầu họ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 618.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tình hình dịch COVID 19 tại châu Âu tiếp tục có những diễn biến xấu. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ngày 23/12 thông báo, Omicron là biến thể chính tại vùng England. London là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo đó cứ 30 người lại có 1 người mắc bệnh vào tuần trước.

Anh đã ghi nhận 119.789 trường hợp mắc COVID-19 mới trong ngày 23/12, số người nhiễm mới/ngày cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Bên cạnh đó, thêm 147 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 cũng đã được báo cáo.

Tây Ban Nha sẽ áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời do lo ngại biến thể Omicron. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời trở lại sẽ có hiệu lực bắt đầu từ đêm Giáng sinh.

Với gần 80% dân số đã được tiêm chủng cùng với tốc độ tiêm mũi tăng cường cao, Tây Ban Nha đã tránh được phần lớn làn sóng lây lan khiến một số quốc gia Bắc Âu phải thắt chặt các quy định hạn chế trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đã tăng lên mức kỷ lục 50.000 ca vào ngày 22/12.

Ngày 23/12, Viện Y tế quốc gia (ISS) Italy cho biết, biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở nước này. Dữ liệu sơ bộ của cuộc khảo sát nhanh cho thấy, biến thể này chiếm 28% số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 20/12, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 0,19% trong cuộc khảo sát ngày 6/12. Theo ISS, kết quả 2 cuộc khảo sát cho thấy thời gian nhân đôi của biến thể Omicron tại Italy là khoảng 2 ngày, phù hợp với mô hình ở các quốc gia châu Âu khác. Chủ tịch ISS Silvio Brusaferro nhấn mạnh, mặc dù đây chỉ là kết quả sơ bộ nhưng cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể này.

Cùng ngày, Viện Robert Koch xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong tại Đức do nhiễm Omicron. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 810 ca nhiễm Omicron, đưa tổng trường hợp mắc biến thể mới dễ lây lan này lên 3.198 người.

Chính phủ Bỉ đã nhóm họp khẩn cấp và quyết định áp dụng các biện pháp tăng cường phòng dịch. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại quốc gia này đang gia tăng.

Bỉ quyết định áp dụng các biện pháp tăng cường phòng dịch. (Ảnh: AP)

Bỉ quyết định áp dụng các biện pháp tăng cường phòng dịch. (Ảnh: AP)

Ngày 23/12, hai bang đông dân nhất Australia là New South Wales và Victoria đã áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng cao do biến thể Omicron.

Bang New South Wales thông báo tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong phòng kín, đồng thời giới hạn số khách và áp dụng quy định quét mã QR đối với người tới dự các sự kiện. Trong khi đó, bang Victoria, với dân số gần bằng New South Wales, cũng tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang nhằm giảm sức ép đối với hệ thống y tế.

Các biện pháp siết chặt phòng dịch được đưa ra ngay trước thềm trước lễ Giáng sinh, khi Australia đã lên kế hoạch mở cửa trở lại sau gần 2 năm phong tỏa. Số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này hiện tại không cao, nhưng số ca nhiễm tăng nhanh đã đặt ra nguy cơ mới, khi nhiều nhân viên y tế phải nghỉ làm vì nhiễm virus.

Australia ngày 23/12 ghi nhận gần 8.200 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ đầu dịch. Trước đó, ngày 22/12, nước này ghi nhận 5.600 ca nhiễm mới, hầu hết ở hai bang nói trên.

Một nghiên cứu mới ở Nam Phi dựa trên dữ liệu về tỷ lệ nhập viện và tử vong trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 cho thấy, nguy cơ bệnh trở nặng ở bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron thấp hơn so với các biến thể trước. Thống kê cho thấy, những bệnh nhân nhiễm Omicron trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 -30/11 vừa qua tại Nam Phi có nguy cơ nhập viện thấp hơn 80% so với người nhiễm các biến thể khác cùng thời điểm.

Theo tuyên bố của người đứng đầu Trung tâm ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong đưa ra ngày 23/12, không nên ngoại suy dữ liệu của Nam Phi về việc bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta từ 70-80% cho tất cả các nước.

Các nhà khoa học cho biết, nguy cơ tỷ lệ ca bệnh nặng thấp hơn trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 tại Nam Phi có thể do mức miễn dịch ban đầu của những người đã tiêm vaccine hoặc đã nhiễm, hoặc cũng có thể do độc lực nội tại của Omicron yếu. Do vậy, cần thêm các nghiên cứu để hiểu rõ hơn tại sao Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Trong khi đó, vẫn cần duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản để ngăn chặn những kịch bản xấu hơn.

Trước sự lây lan của biến thể Omicron, Israel thông báo sẽ sớm triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho người dân. Giới chức y tế Israel nêu rõ, người trên 60 tuổi và nhân viên y tế sẽ là những đối tượng đầu tiên đủ điều kiện tiêm mũi vaccine thứ tư. Hiện có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của mũi tiêm thứ tư vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, do nguy cơ biến thể Omicron lây lan rộng, Israel đã ra quyết định này. Israel hiện đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Omicron.

Giới chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 đầu tiên do nước này tự bào chế và sản xuất, mang tên Turkovac. Các nhà phát triển cho biết, Turkovac hoạt động theo các nguyên lý giống vaccine Coronavac của Trung Quốc, loại mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà từ đầu năm đến nay.

Hồi tháng 6, vaccine Turkovac đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với sự tham gia của hơn 40.000 tình nguyện viên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện số liệu chính thức về kết quả thử nghiệm chưa được công bố. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cho biết, không có người nào được tiêm Turkovac có triệu chứng COVID-19 nặng đến mức phải nhập viện hoặc phải điều trị tích cực.

Thống đốc Bangkok của Thái Lan Asawin Kwanmuang đã ra lệnh cho các cơ quan chính quyền hủy những sự kiện lễ hội do nhà nước tổ chức, kể cả lễ đếm ngược chào đón năm mới 2022 tại quảng trường thành phố do lo ngại về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Thái Lan đã hủy các lễ hội và sự kiện chào đón năm mới 2022. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã hủy các lễ hội và sự kiện chào đón năm mới 2022. (Ảnh: AP)

 

Quyết định nói trên được đưa ra theo hướng dẫn của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) về việc tổ chức những sự kiện mừng Năm mới dự kiến vào ngày 31/12 và 1/1. Hướng dẫn được ban hành sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước hủy bỏ một số kế hoạch lễ hội vì sự an toàn của người dân do biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta.

Quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 23/12 ghi nhận thêm 2.940 ca mắc mới cùng 30 trường hợp tử vong. Tổng số các ca mắc từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan là trên 2,2 triệu trường hợp, trong đó có 21.501 người không qua khỏi. Tính đến ngày 22/12, Thái Lan đã ghi nhận hơn 100 trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron, trong đó 27 ca đã được xác nhận.

Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa đưa ra các biện pháp và hướng dẫn cho việc mở cửa an toàn các trường học trên cả nước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp. Theo đó, các trường học sẽ được phép mở cửa thí điểm trở lại sau khi ấn định thời khóa biểu cụ thể, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và cung cấp các vật chất cần thiết cho việc phòng ngừa lây nhiễm.

Bộ Y tế Lào ngày 23/12 cho biết, trong 24 giờ qua, Lào có thêm 1.471 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 11 người tử vong do COVID-19, trong đó chỉ có 2 ca nhập cảnh. Theo Bộ Y tế Lào, số ca mắc mới ghi nhận ngày 23/12 tăng 130 ca so với ngày 22/12. Đáng chú ý, thủ đô Vientiane ghi nhận số ca cộng đồng tăng cao với 737 trường hợp trong một ngày, tiếp tục đứng đầu cả nước. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 103.336 ca, trong đó có 299 người tử vong.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines ngày 23/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc viên nén Molnupiravir điều trị COVID-19 và tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Ngoài ra, FDA Philippines cũng cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do các hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi với liều lượng thấp hơn liều lượng tiêu chuẩn tiêm cho người lớn và thanh thiếu niên. Philippines dự kiến sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em 5 - 11 tuổi từ tháng 1/2022.

Nhật Bản đã ghi nhận 160 trường hợp mắc COVID-19 do biến thể Omicron, trong đó chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện tại tỉnh Osaka. Ba người nhiễm biến thể Omicron tại tỉnh Osaka là thành viên của một gia đình không có lịch sử đi nước ngoài. Thống đốc bang Osaka thông báo, đây có thể là chuỗi lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng tại Nhật Bản do biến thể Omicron gây ra. Hiện quốc gia châu Á này đang kiểm soát biên giới chặt chẽ nhằm ngăn chặn Omicron, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngày 23/12, Nhật Bản thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, không xác định được nguồn lây. Giới chức y tế tỉnh Tokyo đang theo dõi 7 người được cho là có tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong đó 2 người đã có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính và 5 người vẫn đang chờ kết quả.