Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế giới ghi nhận trên 951.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 951.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay là 501 triệu ca, trong đó trên 6,21 triệu ca tử vong.

Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 951.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 501 triệu ca, trong đó trên 6,21 triệu ca tử vong.

3 quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là: Hàn Quốc (195.370 ca), Đức (179.888 ca) và Pháp (146.926 ca).

3 quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là: Đức (307 ca), Nga (267 ca) và Mỹ (228 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 9/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 9/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

 

VTV cũng đưa tin, tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc thông báo quyết định dỡ bỏ khuyến cáo đặc biệt áp dụng với tất cả hoạt động đi lại với nước ngoài để phòng chống dịch COVID-19. Khuyến cáo đặc biệt trên được áp dụng từ tháng 3/2020 và được gia hạn hàng tháng. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết khuyến cáo này sẽ được dỡ bỏ từ ngày 14/4, sau khi cân nhắc chiến lược mới về kiểm soát dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, Hàn Quốc dự kiến vẫn duy trì khuyến cáo đặc biệt về đi lại đối với Trung Quốc, Nga và hơn 20 quốc gia khác, cũng như duy trì hệ thống cảnh báo đi lại gồm 4 mức đối với một số khu vực khác. Số ca nhiễm mới ghi nhận ngày 13/4 ở Hàn Quốc ở mức dưới 200.000 ca, tiếp tục xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh tháng trước.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các thành phố Thượng Hải và Côn Sơn ở Trung Quốc, nhiều công ty lắp ráp điện tử đã tạm dừng hoạt động. Quyết định này được cho là sẽ càng gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những công ty lớn như Quanta Computer - công ty sản xuất máy tính Macbook, Pegatron, công ty lắp ráp iPhone đã thông báo tạm dừng hoạt động hai nhà máy tại Thượng Hải và Côn Sơn. Đây là đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại nước này trong hơn hai năm qua.

Người dân Australia đã bắt đầu tới New Zealand sau khi nước này lần đầu tiên mở cửa trở lại biên giới kể từ sau khi đóng cửa vào giữa năm 2021 để ngăn chặn dịch bệnh. Chuyến bay đầu tiên trong tổng số 11 chuyến bay dự kiến từ Australia đến New Zealand của hãng hàng không Air New Zealand đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở Auckland.

Giống như nhiều nước khác, New Zealand đã áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong suốt thời kỳ dịch bệnh COVID-19 lây lan. Nước này và Australia đã có khoảng thời gian ngắn áp dụng "bong bóng đi lại", song thỏa thuận này đã phải tạm ngừng vào giữa năm 2021- thời điểm dịch bệnh tái bùng phát. Hiện tại, New Zealand bắt đầu nới lỏng một số quy định tại biên giới với hy vọng thúc đẩy du lịch và tháo gỡ phần nào tình trạng thiếu lực lượng lao động trong nước.

Xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Công viên World Cup, Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/3/2022. Ảnh: Yonhap

Xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Công viên World Cup, Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/3/2022. Ảnh: Yonhap

 

Tại châu Âu, Hy Lạp thông báo các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và các chứng nhận liên quan COVID-19 sẽ được dỡ bỏ trong mùa du lịch hè năm nay và nhà chức trách sẽ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp này vào tháng 9. Theo đó, từ ngày 1/5 đến 31/8, người dân sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine hay chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 khi vào các không gian trong nhà hay ngoài trời như nhà hàng, đồng thời nhà chức trách cũng đang xem xét dỡ bỏ yêu cầu trình chứng nhận điện tử về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập cảnh nước này. Ngoài ra, đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà cũng không còn là bắt buộc kể từ ngày 1/6 và sinh viên sẽ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh mà không cần định kỳ trình kết quả tự xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hy Lạp đã giảm trong những tuần gần đây, với 15.000 ca mắc mới và 64 ca tử vong ngày 12/4. Trong tổng số 11 triệu dân nước này, khoảng 72% đã tiêm vaccine đầy đủ.

Tại châu Mỹ, Colombia và Peru đã nhất trí khôi phục vận tải hành khách quốc tế bằng đường bộ trên tuyến đường nối liền hai thủ đô Bogota và Lima. Bộ Giao thông vận tải Colombia cho biết, du khách nước này muốn đến Peru phải tiến hành khai báo y tế trực tuyến và xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus. Trong khi đó, du khách từ Peru muốn đến Colombia phải báo cáo tình trạng sức khỏe 24 giờ trước khi khởi hành thông qua khai báo y tế và phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn sinh học do cơ quan y tế sở tại quy định.

Chính phủ Ecuador ban hành quyết định, trong đó yêu cầu người dân kể từ ngày 18/4 phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 để có thể ra vào các cơ sở dịch vụ không thiết yếu. Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Ecuador, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 5,4 triệu người dân nước này, tương đương 33% dân số đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba. Chính phủ đánh giá, việc đẩy nhanh tiêm chủng đã giúp số ca mắc mới COVID-19 giảm trong thời gian gần đây và quyết định không đưa ra hạn chế đi lại trong kỳ nghỉ Lễ Phục sinh năm nay (từ ngày 15-17/4).