Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thêm điểm võng 'lạ' trên đường 250 tỉ đồng chưa nghiệm thu đã hỏng

Ngoài vị trí bị sụt lún nghiêm trọng trên Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh Chư Sê (địa phận xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai), ngày 23/10 phóng viên Tiền Phong tiếp tục ghi nhận có thêm đoạn mới bị võng "lạ" với chiều dài khoảng 7m.

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong sáng 23/10 cho thấy, có nhiều người dân vẫn đi xe máy vào tuyến đường tránh này, khi đến vị trí đường bị hỏng được rào chắn cẩn thận phải quay ngược trở lại.

Một người dân bức xúc: “Tôi thấy anh em tài xế lúc đầu rất vui mừng vì nghĩ sắp tới có đường đẹp, thông thoáng, thuận tiện chở hàng hoá, ai ngờ bây giờ lại hỏng kinh hoàng như thế này. Đoạn bị sụt lún mà lại đắp vài xe đất mềm thành bờ đê rồi làm đường thế kia, hỏng là đương nhiên. Giờ chỉ mong các cơ quan chức năng sớm sửa chữa, chứ gần 2 tháng từ khi đường hỏng rồi, bao giờ bà con mới có thể đi lại được đây?”.

Cách vị trí đường hỏng mà báo đài liên tục phản ánh thời gian qua (đã được rào chắn) khoảng 20m, mới có một đoạn bị võng trông có chiều dài khoảng 7m, lún xuống khoảng 15cm. Người dân xã Ia Pal Nói đoạn võng này có thể bị hỏng nặng hơn nếu như có vài trận mưa dầm.

Thêm điểm võng 'lạ' trên đường 250 tỉ đồng chưa nghiệm thu đã hỏng - Ảnh 1.

Đường tránh 250 tỉ đồng tiếp tục xuất hiện đoạn mới bị võng xuống


Thêm điểm võng 'lạ' trên đường 250 tỉ đồng chưa nghiệm thu đã hỏng - Ảnh 2.

Vị trí tuyến đường bị hỏng nghiêm trọng được rào chắn, không phương tiện nào đi qua được

Liên quan đến việc tuyến đường tránh này bị hỏng, ông Đỗ Tiến Đông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký, gửi thông báo số 59 đến văn phòng chính phủ, Bộ giao thông vận tải, Bộ xây dưnhgj, cùng các bên liên quan

Về phân định trách nhiệm, thông báo mà ông Đỗ Tiến Đông ký nêu rõ: Công tác khảo sát, thiết kế đã cơ bản tuân thủ các qui trình. Tuy nhiên, Tư vấn thiết kế lập hồ sơ bước thiết kế bản vẽ thi công chưa phát hiện ra, cũng như chưa đề xuất khảo sát bổ sung khi đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thuỷ văn đặc biệt, bất lợi. Hơn nữa, khi phát hiện có nước ngầm, các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án 6 chưa nghiên cứu, xem xét đầy dủ các điều kiện thời tiết bất lợi trong quá trình khai thác.

Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế do kinh nghiệm của cá nhân tham gia công tác khảo sát còn hạn chế, chưa đánh giá hết các nguyên, điều kiện bất lợi của thời tiết. Còn đơn vị tư vấn giám sát chưa kịp thời kiểm soát quá trình thi công nên chưa phát hiện ra các điều kiện bất lợi về địa hình, địa chất, thuỷ văn, do đó chưa báo cáo Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), tư vấn thiết kế kịp thời xử lý đảm bảo ổn định công trình lâu dài.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, Ban quán lý dự án 6, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khi nghiên cứu thiết kế bản vẽ thi công còn thiếu kinh nghiệm, chưa lường trước, chưa đưa ra các dự báo,…để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tại khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thuỷ văn phức tạp.

Đối với nhà thầu thi công, do công trình mới thi công hoàn thành, chưa được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, để nhanh tiến độ huy động công trường, khắc phục ngay sự cố hư hỏng, yêu cầu Ban quản lý dự án 6 chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương triển khai khắc phục hư hỏng nêu trên.

Thêm điểm võng 'lạ' trên đường 250 tỉ đồng chưa nghiệm thu đã hỏng - Ảnh 3.

Mặt đường bị sụt lún nghiêm trọng

Trước đó Tiền Phong đã đưa tin: Đường tránh huyện Chư Sê có chiều dài gần 10,8 km với tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 6 làm đại diện chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành xây lắp tháng 6/2019, đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, khoảng 15h ngày 3/9/2019 hiện tượng lún, nứt đã xảy ra trên mặt đường đoạn tuyến Km10+200 - Km10+350 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường hỏng, lún dài 150m, vết nứt rộng nhất khoảng 20cm. Sự cố xảy ra làm hỏng hạng mục nền, mặt đường thuộc dự án, may mắn không gây thiệt hại về người.

Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định chủ yếu là do 2 lớp đất yếu, trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy nằm phía dưới lớp vỏ cứng, phân bố rộng khắp khu vực xảy ra sự cố và xuất hiện nước ngầm, chưa phát hiện được để xử lý triệt để trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, gây mất ổn định công trình.