Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thị trường chứng khoán: “Thuốc mới” tiếp lực cho thị trường

Cuối tuần qua, cổ đông nội bộ tại nhiều doanh nghiệp niêm yết đã đăng ký mua vào cổ phiếu để trợ lực cho sức cầu và tăng tỷ lệ sở hữu.


Báo Đầu tư cho hay, cuối tuần qua, cổ đông nội bộ tại nhiều doanh nghiệp niêm yết đã đăng ký mua vào cổ phiếu để trợ lực cho sức cầu và tăng tỷ lệ sở hữu.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giảm lãi suất điều hành đã tiếp sức cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh nỗi sợ dịch bệnh làm kinh tế suy thoái và khủng hoảng tâm lý đang ở mức cao trào.

Hòa Phát là tập đoàn lớn đầu tiên tại Việt Nam công bố việc con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG, dù mức giảm giá của mã này không lớn so với nhiều mã khác.

Ðộng thái từ nội bộ giúp tâm lý nhà đầu tư đại chúng ổn định hơn, cổ phiếu HPG thoát giá sàn dù khối ngoại vẫn bán ròng 5-6 triệu cổ phiếu HPG mỗi phiên.

Hàng loạt cổ đông nội bộ của AAA, DHC, DRC, PGC... sau đó cũng đăng ký mua vào cổ phiếu. Các công ty lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ có PAN, AAA, FMC, HDC, TPB, DPG...

Về vĩ mô, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành sẽ tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán: “Thuốc mới” tiếp lực cho thị trường - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG

Nếu lãi suất tiết kiệm giảm, thì các cổ phiếu đang có cổ tức/thị giá ở mức cao hơn lãi suất tiết kiệm sẽ trở nên hấp dẫn hơn hơn.

Thống kê của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, trên sàn hiện nay có nhiều cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức/thị giá từ 10% trở lên, công ty có tài chính tốt, lĩnh vực kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.

Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp có thể bị suy giảm doanh thu, lợi nhuận, chậm kế hoạch kinh doanh, nhưng khó có thể thua lỗ, dẫn đến suy giảm vốn chủ sở hữu.

Thực tế, trừ những doanh nghiệp trong các ngành như hàng không, dệt may, thủy sản, xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp sản xuất khác có thị trường nội địa chiếm tỷ trọng lớn vẫn tiếp tục sản xuất, bán hàng như ngành thực phẩm, tôn thép, nhựa bao bì, bất động sản (nếu có dự án đủ điều kiện).

Nhiều chủ doanh nghiệp niêm yết tuy có lo ngại về dịch bệnh kéo dài có thể kích hoạt khủng hoảng kinh tế, nhưng khả năng này được đánh giá là rất thấp, do tiềm lực của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp đầu ngành hiện nay tốt hơn nhiều so với năm 2008, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, tờ Sài gòn giải phóng có bài: "Thị trường chứng khoán lao đao"

Trong  tuần qua, chỉ sau 5 phiên giao dịch, vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã “bốc hơi” 26,3 tỷ USD, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 2.100 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. 


TTCK Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch thảm hại trong lịch sử do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19. Thị trường phải đối mặt các phiên giao dịch với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo về mức sàn và trắng bên mua.

Tuần giao dịch trên TTCK Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 13-3 có VN-Index giảm gần 130 điểm (-4,5%) so với tuần trước đó, xuống còn 761,78 điểm. Vốn hóa toàn thị trường giảm 613.000 tỷ đồng (26,3 tỷ USD) xuống 4,1 triệu tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, vốn hóa giảm 443.017 tỷ đồng (18,9 tỷ USD) từ mức 3 triệu tỷ đồng xuống chỉ còn 2,6 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch ngày 9-3, VN-Index mất gần 56 điểm (gần 6,3%) - đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ năm 2002.

Lý giải phiên lao dốc kinh hoàng này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)  cho biết, TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với điểm rơi của nhiều tin xấu cộng hưởng. Giá dầu thế giới giảm và có thời điểm giảm đến 30%. Trước các diễn biến trên, ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20USD/thùng.