Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thị trường ô tô Việt Nam lao dốc tháng thứ 5 liên tiếp

Tính chung 8 tháng của năm 2021, các đơn vị thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tiêu thụ tổng cộng 175.400 xe các loại, giảm 13% so với 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19). Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 121.549 xe, giảm 18%; xe thương mại đạt 50.034 xe, giảm 2% và xe chuyên dụng đạt 3.817 xe, tăng 1%.

VAMA vừa công bố doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam tháng 8, theo đó, doanh số bán hàng tháng 8 giảm 45% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm về doanh số và cũng là tháng có doanh số kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.

BBên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.

Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công (TC Motor) do tác động từ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên doanh số của đơn vị này giảm 46% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng của năm 2021, sức tiêu thụ xe của đơn vị này đạt 40.248 xe, tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Còn theo VinFast, bên cạnh việc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19, tháng 8 vừa qua cũng trùng với tháng "Ngâu", đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ ô tô trên thị trường ô tô nói chung giảm và VinFast nói riêng giảm gần 39%…

Trước đó, các doanh nghiệp cũng dự báo những khó khăn do đại dịch gây ra và để kích cầu doanh số các hãng xe liên tiếp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ với mức giảm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo mẫu xe, nhưng doanh số bán xe vẫn không được như kỳ vọng.

Từ khó khăn của đại dịch COVID-19, đầu tháng 8/2021, UBND các tỉnh Quảng Nam là nơi có nhiều nhà máy ô tô của Thaco và UBND tỉnh Ninh Bình là nơi có nhà máy ô tô Hyundai Thành Công - TC Motor đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; trong đó, đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người tiêu dùng.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành ban hành ngày 9/9/2021, trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Hy vọng việc giảm 50% lệ phí trước bạ này sớm có hiệu lực sẽ là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm sau đợt dịch và cũng là cơ hội để giải phóng số lượng lớn xe tồn kho từ tháng 5 đến nay và cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.