Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thoát nghèo bền vững nhờ “Ngân hàng bò”

Nhờ triển khai chương trình “Ngân hàng bò” do Hội Chữ thập đỏ triển khai đã hỗ trợ tư liệu sản xuất nhằm tạo sinh kế, “trao cần câu” để người nghèo chủ động lao động sản xuất để cải thiện thêm thu nhập.

Gần 8 năm qua, trên địa bàn huyện Bù Đăng (Bình Phước), chương trình “ngân hàng bò” do Hội Chữ thập đỏ huyện triển khai đã giúp nhiều hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.  Gia đình bà Nông Thị Biển ở thôn 5, xã Thống Nhất hiện đã có thu nhập ổn định hơn sau khi nhận hỗ trợ từ “ngân hàng bò”.

Cán bộ Hội chữ thập đỏ huyện Sìn Hồ kiểm tra sinh đàn bò dự án “Ngân hàng bò”.

Cán bộ Hội chữ thập đỏ huyện Sìn Hồ kiểm tra sinh đàn bò dự án “Ngân hàng bò”.

Trước đó, gia đình bà thuộc hộ nghèo của xã Thống Nhất. Năm 2014, gia đình bà được Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ hai con bò cái để phát triển sản xuất thuộc chương trình dự án “ngân hàng bò”. Sau nhiều năm chăm sóc, gia đình bà đã bán 4 con để có kinh phí trang trải trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình đã hoàn trả lại 2 con bò cho dự án theo phương án chuyển giao tiếp cho các hộ còn khó khăn. Hiện nay, gia đình bà Biển còn nuôi 5 con.

Bà Nông Thị Biển vui mừng chia sẻ: “Trước khi được hỗ trợ giống bò để nuôi từ Hội Chữ thập đỏ huyện, gia đình tôi rất khó khăn. Thu nhập chủ yếu của gia đình là đi làm thuê nên không dư giả. Từ lúc Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 2 con bò về nuôi, thu nhập ổn định hơn trước rồi. Mỗi năm, gia đình tiết kiệm một khoản tiền vốn từ việc bán bò trưởng thành. Đàn bò không chỉ giúp gia đình tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống mà số tiền bán bò cộng với số vốn tiết kiệm được sau nhiều năm đã giúp gia đình xây dựng được căn nhà kiên cố, khang trang hơn”.

Chương trình “ngân hàng bò” ở huyện Bù Đăng đã đi chặng đường gần 8 năm. Những hộ nhận hỗ trợ sau khi phát triển đàn bò từ 3 đến 5 con sẽ hoàn trả lại số bò hỗ trợ ban đầu để chuyển giao cho các hộ khó khăn khác tiếp tục chăm sóc phát triển đàn. Từ khi thực hiện chương trình “ngân hàng bò”, huyện Bù Đăng đã có 22 con bò giống được chuyển giao luôn phiên cho các hộ nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu. Nhiều hộ gia đình đến nay đã được hưởng thành quả sau khi bán bò và tiếp tục chăm sóc phát triển ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bù Đăng Bùi Văn Thuận cho biết, Chương trình “ngân hàng bò” đã phát huy được tính hiệu quả, tạo thêm việc làm, giúp cho các hộ nghèo nâng cao thu nhập, từ đó từng bước thoát nghèo. Các hộ nhận hỗ trợ đã nhận thức cao, từng bước phát triển đàn và mang lại nguồn thu ổn định hơn trước.

Chương trình “Ngân hàng bò” do Hội Chữ thập đỏ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk triển khai những năm qua cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực khi góp phần giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, chị H’Râu H’Đơk ở Buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được hội chữ thập đỏ hỗ trợ một con bò sinh sản. Đến nay, bò mẹ đã đẻ được hai con. Mới đây, chị đã bán con bò đực hơn 15 triệu đồng lấy tiền làm chuồng nuôi heo. Còn con bê cái chị chuyển cho hộ khó khăn khác chăm sóc. Chị H’Râu chia sẻ, kinh tế ngày càng ổn định, năm ngoái, gia đình chị xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Bà Phạm Khánh Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong mấy năm qua, Hội đã trao 50 con bò cái giúp các hộ khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, có hướng phát triển kinh tế. Cách làm được nhân rộng theo hình thức, trong quá trình bò sinh sản, hộ nhận bò sẽ chuyển giao 1 con bê cái cho hộ khó khăn khác. Để đàn bò phát huy hiệu quả, Thành hội đã phối hợp với ngành thú y tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho người dân.

“Mô hình này đã giúp đỡ rất nhiều người. Đa phần các hộ được giúp đỡ có những hộ nghèo đã vươn lên thành hộ cận nghèo, còn một số hộ cận nghèo đã thoát nghèo. Các hộ đó hiện nay phát triển kinh tế rất tốt và gần như đủ ăn đủ mặc, không còn lệ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Hiệu quả của “ngân hàng” này vẫn đang tiếp tục được duy trì và các cấp hội vẫn đang giám sát. Hàng tháng Thành hội cũng cử cán bộ xuống để giám sát chuyển giao cho các hộ nghèo còn lại” - bà Phạm Khánh Quyên cho hay.

Cách đây vài năm, gia đình anh Chẻo A Nái, ở bản Nậm Mạ Dạo, xã Ma Quai Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được hỗ trợ một cặp bò giống sinh sản từ Chương trình “Ngân hàng bò”. Được hỗ trợ vật nuôi, gia đình anh Nái thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong cam kết; cũng như chăm sóc bò theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã; xây dựng chuồng trại chắc chắn, gia cố, che chắn gió trong mùa đông… Nhờ đó, đàn bò của gia đình anh Nái phát triển tốt, từ cặp bò giống ban đầu, giờ đây gia đình anh đã có 6 con bò trị giá hàng trăm triệu đồng. “Nhờ sự quan hỗ trợ của Ngân hàng bò mà gia đình đã thoát được nghèo rồi. Chỉ mong bà con nghèo trong bản, trong xã ai cũng được hỗ trợ như mình để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, anh Nái chia sẻ.

Ông Tẩn A Phù, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sìn Hồ cho biết: Chương trình “Ngân hàng bò” là cách làm hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của Sìn Hồ. Với cách làm “cho cần câu chứ không cho con cá” đã góp phần tạo sinh kế và thu nhập bền vững cho hàng trăm hộ nghèo trong huyện. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục luân chuyển số bê con giống được sinh sản từ đàn bò của chương trình, hỗ trợ cho các hộ nghèo khác, tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển kinh tế theo hướng thoát nghèo bền vững.