Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi): Bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nội dung phim

(Dân sinh) - Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Chiều 15/06, Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Gồm 8 chương 50 điều, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Luật gồm 8 chương 50 điều. Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách nhà nước đầu tư cho sáng tác kịch bản phim.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý bổ sung chính sách nhà nước đầu tư cho sáng tác kịch bản phim vào điểm b khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật.

Trong khi đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về nhà nước đầu tư xây dựng trường quay hiện đại. Tại Báo cáo số 216/BC-UBTVQH15 ngày 12-5-2022 gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể về lý do, sự cần thiết của việc xây dựng trường quay.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, xin được quy định tại dự thảo Luật theo hướng trong từng trường hợp cụ thể Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ, đồng thời khuyến khích xã hội hóa xây dựng trường quay nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Có ý kiến đề nghị quy định một chương riêng về hợp tác quốc tế. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 5 nội dung nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp điện ảnh. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định về hợp tác quốc tế trong các chương, điều, khoản về hoạt động điện ảnh gắn với từng vấn đề cụ thể để dễ tra cứu, vận dụng trong quá trình triển khai Luật.

Trên thực tế, các hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu, lưu trữ phim và quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh đều có hoạt động hợp tác quốc tế. Tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung nội dung hợp tác quốc tế vào khoản 4 Điều 5.

Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), vẫn còn có 2 loại ý kiến. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất thì đa số đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp “tiền kiểm” với “hậu kiểm”.

Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.

Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau phiên thảo luận tại hội trường ngày 25-5-2022, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ 1 (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp.

Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh; có ý kiến đề nghị không đưa Quỹ này vào dự thảo Luật để thông qua. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định Quỹ tại dự thảo Luật theo đề xuất Chính phủ.

Cụ thể, đồng ý hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài…

Về phổ biến phim trên không gian mạng: Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật Điện ảnh (sửa đổi), quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định sau đây: Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

 

Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;…

 

Về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động....