Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thứ trưởng Bộ Y tế: Phân tích có ca đã âm tính lại dương tính trở lại với SARS-CoV-2

Thời gian gần đây, có một số trường hợp mắc bệnh Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 rồi lại dương tính trở lại.

Trên báo Vietnamplus.vn, giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế phân tích có những vấn đề đặt ra về chuyên môn với những trường hợp người bệnh đã âm tính sau đó lại dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Lý giải vì sao có ca đã âm tính lại dương tính trở lại với SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long.

Thứ nhất có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.

Thứ hai, đó là khả năng bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt (xác virus), khi làm khuếch đại gene, chúng ta xác định được gene của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.

Thứ ba là người lành mang trùng (hiện có một trường hợp).

"Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này," Thứ trưởng Long chỉ rõ.

Ông Long cũng cho biết đối với những trường hợp trên, Bộ Y tế đã yêu cầu với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương tính thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh.

Thời gian tới ngành y tế sẽ tiến hành lấy mẫu hết tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa, để xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt được virus hay không.

"Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể," Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long các cơ quan chuyên môn đặc biệt là các chuyên gia nói rằng mặc dù chúng ta không còn hoặc có rất ít ca bệnh mới nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus. Bởi vì qua tổng kết có nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi cơ thể, triệu chứng của cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua...

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.

"Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2 đối với dịch Covid-19. Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống Covid-19:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.


Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch Covid-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.