Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thứ trưởng Lê Quân: Chú trọng dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

(Dân sinh) - Cho rằng trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đã đề cập đến nội dung đào tạo nghề, nhưng Thứ trưởng Lê Quân đề xuất: “Chúng tôi mạnh dạn đề cập, tách nội dung về dạy nghề, việc làm và tạo việc làm cho dân tộc thiểu số là một nội dung riêng, vì đây là một hợp phần quan trọng. Bởi vì, dạy nghề cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là một hoạt động rất đặc thù”, Thứ trưởng nói.

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Muốn giảm nghèo: vừa tạo việc làm tại chỗ, vừa đưa dân ra khỏi vùng lõi nghèo

Nhất trí với Đề án, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đánh giá cao, chúng ta thực hiện một đề án để tích hợp các chính sách và giúp giải quyết giảm nghèo tại các vùng lõi nghèo. Theo Thứ trưởng, "đây là chính sách sẽ giúp chúng ta tập trung được các nguồn lực".

Đi vào mục tiêu cụ thể của Đề án, Thứ trưởng Lê Quân tập trung sâu vào mảng dạy nghề, việc làm gắn với giảm nghèo.

Vì theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, đây cũng là mảng mà đề án có những tiếp cận mới. Có ba lý do, mà theo Thứ trưởng, cũng là ba vấn đề mà chúng ta rất quan tâm hiện nay.

Thứ nhất, về vấn đề nguồn nhân lực, hiện có khoảng 8 triệu đồng bào là lực lượng lao động, chiếm khoảng 14- 15% lực lượng lao động toàn quốc. Tuy nhiên, tại các vùng này chủ yếu lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp, chỉ khoảng 6%, thấp bằng khoảng 1/3 mức chung toàn quốc, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, việc làm có rủi ro cao, năng suất lao động rất là thấp, thu nhập thấp và thiếu ổn định.

"Nếu không giải quyết tốt công tác dạy nghề và việc làm cho đồng bào thì sau này chúng ta sẽ gặp phải những vấn rất lớn. Bởi vì gắn với các chế độ an sinh, phúc lợi sau này, nhất là tỷ lệ tham gia về bảo hiểm xã hội, các tỷ lệ khác là những yếu tố chúng ta thấy khó khăn", Thứ trưởng Lê Quân nói.

Thứ hai, Thứ trưởng cho hay, hiện đang xuất hiện tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm.

Vấn đề già hóa dân số, và việc khan hiếm lao động phổ thông. Rất nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nên có xu hướng tìm đến tuyển dụng thanh niên tại các vùng miền núi và các vùng đồng bào dân tộc.

"Không khó chúng ta có thể tìm thấy ở các công trình xây dựng ở các thành phố lớn rất nhiều thanh niên đồng bào dân tộc hiện nay đang làm việc", đại biểu Lê Quân nói.

Thứ ba, vấn đề được Thứ trưởng Bộ Lao động – TB&XH đề cập, và trong đề án cũng có nói đến, nhưng còn chưa sâu, đó là vấn đề di dân.

Thứ trưởng chỉ rõ, hiện nay thị trường lao động phát triển thì vấn đề di dân giữa các vùng khó khăn với các thành phố lớn là vấn đề đang diễn ra.

"Nếu chúng ta không làm tốt được vấn đề này sẽ vừa thừa, vừa thiếu nhân lực, vừa gắn với rất nhiều vấn đề xã hội nhưng cũng không cung ứng nhân lực được cho các doanh nghiệp, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm", Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, một mặt chúng ta phải làm rõ khu vực nào cần phải giữ dân để đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng, nhưng một mặt 8 triệu lao động đó phải có chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, để cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước.

"Bởi vì, một mặt, muốn giảm nghèo thì tạo việc làm, sinh kế tại chỗ, mặt khác là phải đưa dân ra khỏi các vùng lõi nghèo, nhất là thanh niên để họ có việc làm, có thu nhập. Một người có việc làm có thu nhập tốt thì một hộ gia đình sẽ có khả năng thoát nghèo, đấy là những vấn đề quan trọng", Thứ trưởng Lê Quân làm rõ thêm.

Tách dạy nghề, việc làm và tạo việc làm cho DTTS là một hoạt động riêng

Cho rằng trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đã đề cập đến nội dung đào tạo nghề, nhưng Thứ trưởng Lê Quân đề xuất: "Chúng tôi mạnh dạn đề cập, tách nội dung về dạy nghề, việc làm và tạo việc làm cho dân tộc thiểu số là một nội dung riêng, vì đây là một hợp phần quan trọng. Bởi vì, dạy nghề cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là một hoạt động rất đặc thù", Thứ trưởng nói.

Dẫn chứng, thí điểm mấy năm nay với một số trường, như trường Cao đẳng Lào Cai, Trường cao đẳng TKV và một số trường Cao đẳng Kon Tum... Thứ trưởng Lê Quân cho hay, việc tuyển sinh rất tốt.

Hay, ví dụ như trường Cao đẳng Lào Cai năm nay sau khi cấu trúc lại tuyển được gần 5.000, trong đó 3.500 học sinh là đồng bào dân tộc. Với chính sách của Nhà nước hiện nay các cháu đến học rất đông và có việc làm.

Hoặc với việc làm như của Công ty Than khoáng sản hiện nay một năm tuyển dụng khoảng 1.500 và trong 5 năm vừa qua tuyển được gần 8.000 cháu xuống học và chi phí đào tạo hết khoảng 30 triệu một cháu, nhưng gắn với tạo việc làm, đã giúp nhân lực vùng đồng bào dân tộc có được việc làm với thu nhập tốt.

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Khi đồng bộ chính sách thì giải quyết được vấn đề đào tạo tại chỗ gắn với sinh kế, gắn với phát triển, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hay là một số các doanh nghiệp. Nhưng cũng phải nhìn nhận một chính sách gắn đào tạo để làm sao cung ứng nhân lực và gắn với dịch chuyển lao động, khi đó chúng ta mới giải quyết được bài toán thoát nghèo trong ngắn hạn".

Cùng với đó, trong dài hạn, khi các khu vực kinh tế này tăng trưởng, phát triển tốt lên chúng ta sẽ điều chỉnh các chính sách cho phù hợp, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Lê Quân: Chú trọng dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS - Ảnh 1.

Đại biểu Đinh Thị Bình (Tỉnh Phú Thọ)

Nhất trí chung với các mục tiêu chung của Đề án, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho biết, các mục tiêu cụ thể, thì đại biểu đoàn Phú Thọ thấy còn "băn khoăn" và "chưa yên tâm".

Bà Đinh Thị Bình nêu ví dụ, Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%. Tuy thế, "đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này trung bình mới đạt 6,2%, một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ dưới 2%, thậm chí, có những nhóm dân tộc thiểu số có tới 100% lao động chưa qua đào tạo, như nhóm B'râu. Mảng, Ba Na, v.v..", bà Bình cho biết.

Cũng liên quan đến đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số, đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) nhấn mạnh, cần có các giải pháp để góp phần "tạo việc làm tại địa phương" như bố trí nguồn vốn đào tạo nghề, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương để ta tận dụng các thế mạnh ở địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số.

Đồng tình về vấn đề cần chú trọng tạo việc làm ngay tại địa phương, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhấn mạnh, cần có chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào khu vực miền núi, vùng có điều kiện khó khăn để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

"Tôi lưu ý vấn đề "tại chỗ", bởi vì đặc điểm phong tục, tập quán có rất nhiều nơi, nhiều tỉnh đã bỏ ngân sách nhà nước ra đào tạo việc làm, bố trí việc làm ở vùng đồng bằng, nhưng sau đó vì nhiều lý do, trong đó có lý do các em không quen sống ở đồng bằng, đặc biệt các em, các cháu khi có gia đình đều phải về quê sinh sống", do đó, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng phải đặc biệt lưu ý đến "giải quyết việc làm tại chỗ".