Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thủ tướng: Liên hợp quốc - "Trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia"

(Dân sinh) - "Từ tro tàn của chiến tranh, sau 75 năm, thế giới đã không phải chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thế giới mới. Hòa bình, hợp tác hữu nghị được vun đắp; đói nghèo, bệnh tật được đẩy lùi; cuộc sống của nhân loại được đổi thay. Những thành quả to lớn đó không thể có được nếu không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, không thể đạt được nếu không có Liên hợp quốc - “trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng: Liên hợp quốc - "Trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia" - Ảnh 1.

Thủ tướng khẳng định vai trò không thể thiếu của Liên hợp quốc với tư cách là “trung tâm điều phối hành động của các quốc gia”.

Ngày 21/9/2020 (giờ Niu-Óoc, Hoa Kỳ), trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi "Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc" cùng với 106 Lãnh đạo cấp cao và 67 Bộ trưởng các nước thành viên Liên hợp quốc.

Do tác động của đại dịch Covid-19, Phiên họp được tổ chức theo hình thức Lãnh đạo các nước ghi hình phát biểu trước để phát trực tiếp tại Trụ sở Liên hợp quốc (Niu-Óoc, Hoa Kỳ).

Trong các phát biểu, Lãnh đạo và đại diện các nước đã bày tỏ đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Liên hợp quốc đã đạt được trong ba phần tư thế kỷ kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay.

Khẳng định cam kết và sự tin tưởng đối với chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm; đề cao và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia, ngăn chặn xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp;

Thủ tướng: Liên hợp quốc - "Trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia" - Ảnh 2.

Do dịch Covid-19, Phiên họp tổ chức theo hình thức Lãnh đạo các nước ghi hình phát biểu để phát trực tiếp tại Trụ sở Liên hợp quốc (Niu-Óoc, Hoa Kỳ).

Đồng thời, các lãnh đạo bày tỏ mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc tăng cường đoàn kết quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Thẳng thắn nhìn nhận bối cảnh đầy thách thức hiện nay và những hạn chế còn tồn tại của Liên hợp quốc, các nước cũng kêu gọi có các biện pháp cải tổ mạnh mẽ để Liên hợp quốc có thể đáp ứng tốt hơn những nhiệm vụ và thách thức mà thời đại mới đang đặt ra.

Đồng thời, phản ánh những thành tựu, đóng góp của mình tại Liên hợp quốc trong 75 năm qua cũng như bày tỏ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực quan tâm.

Trong thông điệp quan trọng gửi Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại những thành quả nhân loại đã đạt được trong suốt 75 năm qua, khẳng định vai trò không thể thiếu của Liên hợp quốc với tư cách là "trung tâm điều phối hành động của các quốc gia".

Trước những thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay, Thủ tướng cho rằng cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, hợp tác hơn nữa để tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là Liên hợp quốc, tuân thủ Hiến chương, luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia cũng như đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc Đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế-xã hội, những nỗ lực trong phòng, chống và phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như những đóng góp tại các thể chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn cộng đồng quốc tế đã tín nhiệm bầu Việt Nam giữ cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021. 

Đồng thời khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó, bao gồm cả cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, nỗ lực đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Liên hợp quốc được thành lập ngày 24/10/1945, hiện là tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh với 193 nước thành viên.

Với nhiệm vụ và quyền hạn được cộng đồng quốc tế giao phó trong Hiến chương, Liên hợp quốc có vai trò và đóng góp sâu rộng đối với mọi mặt của đời sống quốc tế, tham gia điều phối các nỗ lực quốc tế giải quyết hầu hết các vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, quyền con người, giải trừ quân bị…

Năm 2020 kỉ niệm 75 năm ra đời Liên hợp quốc, đồng thời cũng là 43 năm Việt Nam gia nhập tổ chức này (vào ngày 20/9/1977).