Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công đường cao tốc Bắc - Nam tại Thanh Hóa

(Dân sinh) - Sáng nay (30/)9, tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát lệnh khởi công...

Dự lễ khởi công tại Thanh Hóa có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí vốn với 11 dự án thành phần. Trong đó có 6 dự án đầu tư công và 5 dự án đầu tư PPP.

Cùng thời gian này, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây (tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công đường cao tốc Bắc - Nam tại Thanh Hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu ấn nút khởi công

Theo tiến độ, 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022, cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị.

Việc triển khai khởi công 3 dự án thành phần trên thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của Bộ GTVT nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua.