Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hai Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN ứng phó Covid-19

(Dân sinh) - Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19 sẽ được tổ chức vào ngày 14/4 tới theo hình thức trực tuyến. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì các hội nghị này.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết tại họp báo quốc tế cho biết về Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Covid-19.

Sẽ thông qua 2 văn kiện quan trọng

Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, tại Hội nghị của Hội đồng Điều phối ASEAN vừa diễn ra ngày 9/4, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nhất trí kế hoạch tổ chức các Hội nghị Cấp cao đặc biệt của ASEAN và Cấp cao đặc biệt giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) về Ứng phó dịch bệnh COVID-19 trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 14/4 tới.

Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN+3 chủ trì.

Thời gian qua, các nước thành viên đã ủng hộ, chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Với quyết tâm và nỗ lực chung, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, Cộng đồng ASEAN có thể vững vàng trước mọi thử thách, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia thành viên.

Dự kiến, các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua 2 văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh COVID-19.

ASEAN: Nguy cơ mất việc làm, ASXH bị thách thức

Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với tổng số ca lây nhiễm là hơn 14 ngàn, 493 ca tử vong.

Dịch bệnh cũng tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. Nhiều hoạt động của ASEAN kể từ đầu năm 2020 đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phát huy vai trò chủ tịch ASEAN và trên tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh.

Sau khi tham vấn với các Nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tổ chức 2 phiên họp ngày 20/2 và ngày 9/4/2020 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh.

Trong kênh y tế, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (các nước +3) đã được khởi động.

Các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng phụ trách du lịch v.v. của ASEAN đều ra Tuyên bố và thống nhất các biện pháp hành động chung để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Với 2 văn kiện quan trọng dự kiến sẽ được thông qua tại 2 Hội nghị cấp cao nói trên, qua đó, khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế-xã hội các quốc gia thành viên.