Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thủ tướng tới thủ đô Vientiane, dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

(Dân sinh) - Chiều 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Thủ đô Vientiane (Lào) theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Vientiane, Lào.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Vientiane, Lào.

Đúng 18h25 ngày 4/4, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.

Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng.

Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam có Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Alounxai Sounnalath, Thứ trưởng Bộ Năng lượng mỏ Lào XayNhakhone, Phó Đô trưởng Vientiane Phukhong Bannavong, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Lào Phongsavan Xisulath; Vụ trưởng vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Lào Amphay Kindavong; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và cán bộ các cơ quan Việt Nam tại Lào.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra ngày 5/4, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ 4 nước thành viên Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra có lãnh đạo, đại diện của 2 nước Đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanma, cùng 12 Đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, Lào

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, Lào

Ngoài dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể, trong chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp song phương, đa phương với các thành viên Ủy hội sông Mekong.

Việc tham dự Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện cam kết chính trị và vai trò của Việt Nam - một quốc gia thành viên hết sức tích cực và xây dựng trong tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên tất cả các cấp và diễn đàn, từ cấp cao tới cấp Bộ trưởng, Ủy ban liên hợp, Nhóm công tác… trên tất cả các lĩnh vực hợp tác thông qua các sáng kiến, vận động, thúc đẩy và các đóng góp vượt bậc về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…

Hội nghị nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của Ủy hội; tiếp tục khẳng định các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây; phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực, và xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021 - 2030.

Chuyến công tác này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế trên các diễn đàn quốc tế và đa phương;

Luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; quan tâm lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia sông Mekong; thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar trên cơ sở thận trọng, khôn khéo, vận dụng các nguyên tắc hợp tác cơ bản đã được các bên tham gia chấp thuận như đồng thuận nhất trí, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.