Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên - Huế, cát tặc lộng hành, nguy cơ sông Truồi “nuốt chửng" đất đai

Suốt nhiều năm qua, người dân các xã Lộc Điền, Lộc Hoà, Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) bất lực trước sự lộng hành của "cát tặc" và nguy cơ đất đai, ruộng vườn bị sông Truồi “nuốt chửng" vì nạn sạt lở.

Sạt lở bờ sông Truồi đoạn qua thôn Nam Phước, xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ăn sát vào mép đường liên xã Lộc An - Lộc Hoà

Sạt lở bờ sông Truồi đoạn qua thôn Nam Phước, xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ăn sát vào mép đường liên xã Lộc An - Lộc Hoà

Sau cơn bão số 4 (bão Noru), người dân thôn Nam Phước (xã Lộc An, huyênn Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) không khỏi lo lắng khi một điểm sạt lở mới kéo dài khoảng hơn 20m, ăn sâu vào đến mép đường liên xã Lộc An - Lộc Hoà bên bờ sông Truồi. Ông Hoàng H., có nhà ngay sát điểm sạt lở cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông ở đoạn thượng nguồn sông Truồi đã diễn ra từ nhiều năm nay và đó là hậu quả của nạn khai thác cát lậu chưa được xử lý dứt điểm. “Cứ đến mùa mưa bão, người dân chúng tôi không khỏi lo lắng trước thực trạng sạt lở của bờ sông Truồi. Nguyên nhân chính là nạn khai thác cát lậu diễn ra hằng đêm tại đoạn sông ngay phía dưới cầu máng kênh dẫn nước Truồi. Họ cột tàu thuyền vào ngay chân  trụ cầu máng, thả vòi hút cát sát bờ rồi hút cát khiến chân bờ sông bị hổng và dẫn đến sạt lở khi mùa mưa bão đến”, ông H. cho biết.

Ông Nguyễn C., (thôn Nam Phước, xã Lộc An) cho biết, nhà ông ở ngay đầu phía Bắc cầu máng Truồi. Nhiều năm trở lại đây, do cát tặc hút cát khiến khu vườn phía trước nhà ông bị sạt lở với chiều dài lên đến gần 100m, ăn sâu vào hơn 5m, nhiều cây trồng bị sông “nuốt chửng". “Người dân chúng tôi khi phát hiện cũng đã báo cáo chính quyền địa phương, nhưng những người lấy cát vẫn bất chấp, thậm chí còn đe doạ chúng tôi. Họ là  người trong xã Lộc An và các xã Lộc Điền, Lộc Hòa. Hằng đêm, cừ từ 19h30 là tàu, thuyền hút cát đến cột dây, neo đậu rồi nổ máy hút cát ầm ầm, nhưng  không thấy cơ quan chức năng phát hiện, xử lý”, ông C. bức xúc.

Đối diện nhà ông C. là khu đất “7 mẫu” (đầu phía Nam cầu máng Truồi, thôn Lương Điền Thượng, xã Lộc Điền)  đang được 1 doanh nghiệp ở thị trấn Phú Lộc thuê trồng cây vả. Tuy nhiên, do việc quản lý lỏng lẻo, không người trông coi nên bị “cát tặc” thả vòi rồng sát chân bờ để lấy cát, khiến tình trạng sạt lở rất trầm trọng. “Ngày trước bờ sông ở tận ngoài kia nhưng nạn sạt lở đã ăn sâu vào hơn 20m. Nhiều lần chứng kiến họ neo đậu tàu thuyền rồi hút cát sát bờ sông, ngay dưới chân cầu máng Truồi, tôi đã gọi điện cho cơ quan chức năng cấp tỉnh nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn cứ diễn ra. Nhiều diện tích ruộng, vườn, cây cối đã nằm dưới dòng sông, thậm chí điểm sạt lở đã ăn vào đến chân cột điện 3 pha kia rồi”, một người câu cá tại khu đất “7 mẫu”  vừa nói vừa chỉ tay về các hướng sạt lở.

Tàu khai thác cát trái phép trên thượng nguồn sông Truồi

Tàu khai thác cát trái phép trên thượng nguồn sông Truồi

Theo thống kê của ông Nguyễn C., hiện nay trên đoạn thượng nguồn sông Truồi có khoảng 12 tàu, thuyền chuyên khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, dọc 2 phía bờ sông có 3 khu tập kết, thu mua cát sạt khai thác trên sông Truồi, trong đó có 2 điểm ở khu vực cầu máng Truồi, thôn Lương Điền Thượng (xã Lộc Điền); 1 bãi tập kết tại Cây Sen, thôn Nam Phổ Cần (xã Lộc An, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép).

Theo tìm hiểu, chính quyền huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên - Huế không cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi tại đoạn thượng nguồn sông Truồi, nhất là đoạn phía dưới cầu máng Truồi. Tuy nhiên, ngay trong sáng 1 và 2/10, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều tàu, thuyền chở cát từ phía thượng nguồn xuôi dòng sông Truồi về tập kết tại các điểm tập kết nói trên. Để có đánh giá khách quan, rõ hơn phản ánh của người dân về nạn khai thác cát diễn ra ban đêm tại khu vực cầu máng Truồi, khoảng 19h30 ngày 1/10, chúng tôi đã có mặt tại đây và thấy 1 chiếc tàu neo tại đầu phía Nam cầu máng, nổ máy khai thác trái phép cát, sỏi. Sau khi hút đầy cát, chiếc tàu này nổ máy lớn, xuôi dòng về phía hạ nguồn. Cùng thời điểm, có nhiều tàu khác tiếp tục ngược sông Truồi đi về phía thượng nguồn, đến các đoạn sông thuộc địa phận xã Lộc Hoà cùng nhiều biểu hiện nghi ngờ.

Dự án xây kè chống sạt lở bờ sông Truồi đoạn qua thông Đông Xuân và Lương Điền Thượng (Lộc An, Lộc Điền, Phú Lộc)

Dự án xây kè chống sạt lở bờ sông Truồi đoạn qua thông Đông Xuân và Lương Điền Thượng (Lộc An, Lộc Điền, Phú Lộc)

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 4/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định số 890/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Kè chống sạt lở bờ sông Truồi đoạn qua xã Lộc An và Lộc Điền (huyện Phú Lộc). Dự án được giao cho Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng giá gói thầu gần 15 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, tỉnh tiến hành thu hồi hơn 24.000m2  đất của người dân các thôn Nam, Nam Phước (xã Lộc An) và thôn Đông Xuân, Lương Điền Thượng (Lộc Điền). Hiện nay, gói thầu xây kè chống sạt lở phía bờ Nam sông Truồi (xã Lộc Điền) đang tiến hành xây dựng, do Công ty TNHH Long Phụng thi công; còn bờ phía Bắc đang tiến hành thu hồi đất, đo đạc để thi công, trong đó có các đoạn mới sạt lở và đoạn qua đất nhà ông Nguyễn C. Trong khi đó, đoạn sạt lở tại khu đất “7 mẫu” và các điểm sạt lở dọc bờ sông đoạn qua xã Lộc Hoà chưa có dự án xây dựng bờ kè.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc đầu tư xây dựng bờ kè để chống sạt lở bờ sông, các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc, xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép dưới lòng sông Truồi, nhất là đoạn dưới chân cầu máng Truồi. Có như vậy, tình trạng sạt lở mới được giải quyết một cách lâu dài và bảo đảm được sự an toàn cho 1 công trình rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tại các địa phương phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Một số hình ảnh sạt lở trên bờ sông Truồi:

Điểm mới sạt lở sau bão Noru tại thôn Nam Phước, xã Lộc An

Điểm mới sạt lở sau bão Noru tại thôn Nam Phước, xã Lộc An

Empty
Theo người dân địa phương, do việc khai thác cát trái phép dưới lòng sông Truồi diễn ra trong thời gian dài đã làm hổng chân bờ sông dẫn đến sạt lở

Theo người dân địa phương, do việc khai thác cát trái phép dưới lòng sông Truồi diễn ra trong thời gian dài đã làm hổng chân bờ sông dẫn đến sạt lở

IMG_9307
Empty
Nạn sạt lở 2 phía bờ sông Truồi đoạn qua các xã Lộc An, Lộc Điền, Lộc Hoà không chỉ đe doạ đến đất đai, tài sản của người dân mà cả các công trình giao thông

Nạn sạt lở 2 phía bờ sông Truồi đoạn qua các xã Lộc An, Lộc Điền, Lộc Hoà không chỉ đe doạ đến đất đai, tài sản của người dân mà cả các công trình giao thông

Bờ sông Truồi đoạn dưới cầu máng dẫn nước tưới tiêu bị sạt lở nghiêm trọng cũng ảnh hưởng đến tính an toàn về lâu dài của công trình rất quan trọng này

Bờ sông Truồi đoạn dưới cầu máng dẫn nước tưới tiêu bị sạt lở nghiêm trọng cũng ảnh hưởng đến tính an toàn về lâu dài của công trình rất quan trọng này

Empty
Ngay cả hệ thống đường điện cũng bị đe doạ

Ngay cả hệ thống đường điện cũng bị đe doạ

Khu đất 7 mẫu ở thôn Lương Điền Thượng bị sạt lở kéo dài, bờ sông đã ăn sâu vào đất liền hơn 20m trong những năm qua

Khu đất "7 mẫu" ở thôn Lương Điền Thượng bị sạt lở kéo dài, bờ sông đã ăn sâu vào đất liền hơn 20m trong những năm qua

Empty
Việc không có người trông coi, công tác quản lý lỏng lẻo, cát tặc khai thác gần bờ là nguyên nhân sâu xa

Việc không có người trông coi, công tác quản lý lỏng lẻo, "cát tặc" khai thác gần bờ là nguyên nhân sâu xa

Empty
Nhà dân ở xã Lộc Điền ngày càng gần hơn với mặt nước sông Truồi

Nhà dân ở xã Lộc Điền ngày càng gần hơn với mặt nước sông Truồi

Nạn sạt lở cũng tấn công đường Nam sông Truồi, đến mức người dân phải làm hàng rào tạm để cảnh báo người đi đường

Nạn sạt lở cũng "tấn công" đường Nam sông Truồi, đến mức người dân phải làm hàng rào tạm để cảnh báo người đi đường

Empty
Người dân mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông Truồi, qua đó hạn chế đến mức tối đa nạn sạt lở bờ sông

Người dân mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông Truồi, qua đó hạn chế đến mức tối đa nạn sạt lở bờ sông