Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế đẩy mạnh liên kết để du lịch vươn tầm cao mới

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch, giúp vượt qua khó khăn thời kỳ đại dịch, phát triển lên tầm cao mới

Liên kết là yếu tố sống còn giúp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển lên tầm cao mới. Ảnh: Hoàng Lê

Liên kết là yếu tố sống còn giúp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển lên tầm cao mới. Ảnh: Hoàng Lê

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 8/8, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác tham dự Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

Được biết, Hội nghị là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 và rất quan trọng nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển… Hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết sau đại dịch Covid-19.

Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là hoạt động ý nghĩa trong việc phát triển du lịch chung của cả nước cũng như của từng địa phương. Hoạt động nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao từ lãnh đạo Trung ương đến các địa phương, sự phối hợp, hưởng ứng tích cực của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp trong công tác triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến chung.

Thông qua việc liên kết, các tỉnh, thành phố đã khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. 

Báo cáo của Hội nghị cho thấy, trong năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh thành trong nhóm liên kết đạt 17,685 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.073 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch đã có những diễn biến tích cực. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 32,917 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.892 tỷ đồng. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, đã thực hiện thành công mục tiêu tăng tỷ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch, nhất là ở giai đoạn phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới như hiện nay. “Chúng ta phải cùng nắm tay nhau, đoàn kết hợp tác để đưa sự nghiệp du lịch các địa phương liên kết nói riêng và của cả nước nói chung vượt qua khó khăn thời kỳ đại dịch, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, ông Bình nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các địa phương cần cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng. Bên cạnh đó, cầnphát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương; hợp tác ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh vào liên kết phát triển du lịch, nhất là số hóa, chia sẻ dữ liệu du lịch nhằm đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch và tiện ích đối với khách du lịch. Các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng danh mục những sản phẩm có giá trị chung, tránh trùng lắp để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm liên kết. 

Các tỉnh cũng cần liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách MICE, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch giáo dục… 

Ông Bình đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ xây dựng và chào bán sản phẩm du lịch của các địa phương trong liên kết cho du khách trong nước và quốc tế. Hai thành phố làm đầu mối mở rộng liên kết trong nước để doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong liên kết phối hợp xây dựng chào bán sản phẩm du lịch phù hợp thị hiếu của từng thị trường cụ thể. Phối hợp triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chiến lược quảng bá marketing điện tử song phương, đa phương tại các địa phương trong vùng. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nên tổ chức triển khai Tuần văn hóa Du lịch tại các tỉnh miền Trung và ngược lại để giới thiệu, quảng bá điểm đến cũng như các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương…