Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế điều tra số liệu tốt nhất phục vụ giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả

(Dân sinh) - Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu triển khai quyết liệt với các công cụ và phương án tối ưu để có số liệu tốt nhất, nhằm làm căn cứ xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, kế hoạch tạo việc làm hiệu quả cho người dân.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp triển khai Kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp triển khai Kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022

Sáng 18/10, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các Sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về triển khai Kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Hội nghị cũng đã nghe báo cáo, tham gia đóng góp ý kiến cho Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 lần cuối trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh này phê duyệt ban hành.

Ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2022 nhằm làm cơ sở hoạch định các chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của địa phương (cung lao động). Đồng thời, thu thập thông tin về thực trạng lao động thuộc các loại hình, ngành kinh tế, việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động, qua đó có cơ sở để xác định hướng đào tạo và kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động (cầu lao động).

Khối lượng thông tin cần thu thập về cung lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 881.500 người/12 chỉ tiêu trường dữ liệu. Khối lượng thông tin cần thu thập về cầu lao động trên địa bàn tỉnh theo số lượng khoảng 5.900 người sử dụng lao động. Khối lượng thông tin thu thập về người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế theo số lượng khoảng 350 lao động.

Công tác thu thập thông tin bắt đầu triển khai từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2022, do các điều tra viên thực hiện và được theo dõi, giám sát bởi đội ngũ giám sát viên.

Đối với Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, theo Phan Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, là nhằm xác định, lập danh sách, phân loại chính xác, đầy đủ số liệu, thông tin cơ bản về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong năm 2023. 

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu việc rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo phải theo quy định và có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các cấp hội, đoàn thể cũng như của người dân. 

Đồng thời, kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và thực trạng đời sống của nhân dân; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương. 

Thừa Thiên Huế sẽ sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (App) rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (đã được nâng cấp, bổ sung một số trường thông tin và chức năng) để triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Thời gian thực hiện tháng 10 - 12/2022, để tổng hợp, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.

Tại cuộc họp, đại diện Sở, ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố Huế, lãnh đạo cấp xã đã có nhiều ý kiến góp ý để triển khai thực hiện 2 kế hoạch nói trên hiệu quả. Một số khó khăn, vướng mắc cũng được đưa ra để hội nghị bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ.

Một số ý kiến kiến nghị đưa các hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra vào diện rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022

Một số ý kiến kiến nghị đưa các hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra vào diện rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, từ đây đến cuối năm thời gian rất ngắn, trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Do đó, ông Bình yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành liên quan, tổ chức tham mưu, tập huấn cho đội ngũ điều tra viên, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch thu thập thông tin cung - cầu lao động, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, hoàn chỉnh các công cụ, phương pháp điều tra để triển khai thu thập dữ liệu chính xác nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế yêu cầu lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp phát huy vai trò người đứng đầu, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể; thực hiện tổng điều tra, rà soát, thu thập thông tin tốt để có số liệu tốt nhất. Trong quá trình điều tra, rà soát cần lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nhu cầu, ý kiến của người dân, chú ý các trường hợp chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, sự cố; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh những vấn đề khó khăn để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

“Đây là một đợt tổng điều tra hết sức quan trọng, tôi đề nghị các Sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ để có giải pháp, cách thức, công cụ điều tra tối ưu giúp các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Cần làm hết sức kỹ lưỡng, bám sát từng hộ gia đình, từng người lao động. Qua đó chúng ta có được số liệu dữ tốt nhất phục vụ cho việc xây dựng, ban hành các khung chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm hiệu quả cho người dân”, ông Bình nhấn mạnh.

Về Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, địa phương này phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%; đưa A Lưới thoát khỏi danh sách các huyện nghèo nhất nước. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Đề án với những khung chính sách phù hợp để trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, đưa vào thực tế cuộc sống. Theo ông Bình, Thừa Thiên Huế quyết tâm đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn dưới 2% vào năm 2025, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.