Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế hướng tới phát triển du lịch thông minh và bền vững

(Dân sinh) - Ngày 7/3, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Viện nghiên cứu Mekong (MI) tổ chức “Hội thảo về Du lịch thông minh và bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo BTC, Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch thông minh và bền vững tại khu vực Mekong” do Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc (MKCF) tài trợ. Dự án sẽ được triển khai thực hiện tại 5 thành phố có di sản được UNESCO công nhận ở các quốc gia vùng sông Mekong là Ayutthaya (Thái Lan), Siem Reap (Campuchia), Luang Prabang (Lào), Huế (Việt Nam), và Bagan (Myanmar).

Ngoài lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội thảo còn có sự tham gia của một số chuyên gia quốc tế Viện Nghiên cứu Mekong và đại diện của hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành, điểm đến, sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm... 

Hội thảo góp phần cung cấp, chia sẻ các thông tin, những hiểu biết và kinh nghiệm của các bên liên quan trong ngành du lịch về những cơ hội và thực tiễn liên kết du lịch bền vững và thông minh; đồng thời cũng là dịp tốt để giới thiệu quảng bá những tiềm năng, thế mạnh cũng như sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch Cố đô Huế đến với các tổ chức, đối tác trong khu vực.

Hội thảo đã giới thiệu các công cụ, kỹ thuật và công nghệ cho du lịch thông minh; cung cấp thông tin, phương pháp thích ứng và thực hành tốt nhất cho du lịch bền vững và thân thiện với môi trường cũng như cung cấp thông tin, phương pháp thích ứng và thực tiễn tốt nhất để hợp tác nhằm tăng cường kết nối kinh doanh…

Việc tổ chức hội thảo lần này còn góp phần nâng cao kiến ​​thức và hiểu biết của các bên liên quan trong ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế về những cơ hội và thực tiễn liên kết các hoạt động, sản phẩm để phát triển du lịch một cách bền vững và thông minh. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, điểm đến, mua sắm, cũng như năng lực cạnh tranh du lịch thông qua công nghệ thông minh tại các quốc gia tiểu vùng sông Mekong: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây cũng là dịp tăng cường hợp tác, liên kết giữa Hàn Quốc và các nước tiểu vùng sông Mekong thông qua hoạt động kết nghĩa giữa các thành phố lịch sử và văn hóa, giúp các đối tượng liên quan hiểu thêm về các thị trường khách du lịch nói chung và thị trường du lịch Hàn Quốc quan tâm đến du lịch bền vững và thông minh như thế nào, cũng như những kinh nghiệm và bí quyết để phát triển du lịch bền vững thành công.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Là vùng đất tập trung nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, đình chùa,... mang giá trị kiến ​​trúc độc đáo, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo, hấp dẫn. Thừa Thiên Huế được xác định là trung tâm văn hóa - du lịch lớn của Việt Nam và khu vực; với định hướng xây dựng và phát triển theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Theo ông Bình, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh phát triển du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác.  Tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, thông minh và bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, về cảnh quan thiên nhiên, không gian biển, đầm phá để phát triển du lịch theo hướng bền vững, thông minh và sáng tạo; ứng phó linh hoạt và hiệu quả với rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả liên kết giữa các vùng, địa phương và với quốc tế, đặc biệt là tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ để phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.