Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế quyết tâm đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu huyện A Lưới cùng với cả hệ thống chính trị cần có sự chủ động, quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Thừa Thiên Huế quyết tâm đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.

A Lưới đang đầu tư nhiều mô hình sinh kế giúp phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thoát nghèo bền vững

A Lưới đang đầu tư nhiều mô hình sinh kế giúp phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thoát nghèo bền vững

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của huyện là 718.460 triệu đồng. Kế hoạch nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2022 là 216.827 triệu đồng, bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới: 22.073 triệu đồng; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 69.105 triệu đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững: 71.632 triệu đồng. NSĐP đối ứng theo quy định: 54.017 triệu đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, huyện sẽ tiến hành lồng ghép nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đến cuối năm 2024, huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo để góp phần cùng cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tận dụng nguồn lực của 3 CTMTQG để tập trung thực hiện các tiêu chí thiếu hụt tại các xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, đặc biệt là các tiêu chí khó đạt như: Nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. A Lưới phấn đấu đến năm 2025 có thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Huyện A Lưới phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm  2022 là 49,98% với 7.022 hộ, đến năm 2025 giảm còn dưới 12,01%, bình quân giảm 9,49%/năm. Riêng năm 2022 giảm 10,18%. Huyện A Lưới tập trung cơ bản vào 3 nội dung chính đó là: tạo việc làm cho lao động chưa có việc làm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ về sinh kế, triển khai các mô hình có hiệu quả đã thực hiện thành công trên địa bàn.

Về thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Tính đến thời điểm 30/7/2022, tổng số tiêu chí toàn huyện A Lưới đạt 234 tiêu chí/17 xã, đạt bình quân 13,76 tiêu chí/xã. A Lưới tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các tiêu chí khó đạt và những chỉ tiêu trong các tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025.

Về thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030: Huyện A Lưới triển khai rà soát, tổng hợp các nội dung theo từng dự án thành phần, trong đó từ năm 2021 đến năm 2025, địa phương cố gắng: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện A Lưới về  tình hình tiến độ triển khai thực hiện các CTMTQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị, địa phương quan tâm tập trung đẩy mạnh giải ngân các nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG trong năm 2022 tại huyện A Lưới, phấn đấu giải ngân từ 60 - 70%. Đồng thời, thành lập các tổ công tác trên địa bàn A Lưới, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn huyện triển khai thực hiện.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, Lãnh đạo huyện A Lưới cùng với cả hệ thống chính trị cần có sự chủ động, quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Huyện A Lưới cần xây dựng kế hoạch cụ thể và chi tiết cho từng tuần, từng tháng và hàng năm trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG; có báo cáo hàng tuần để đánh giá kết quả và đề xuất các phương án. Các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, kết nối thông tin, để hướng dẫn cho huyện A Lưới trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc các CTMTQG, đảm bảo kịp thời, hiệu quả và đúng quy định.

Liên quan đến CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, đã đến lúc các địa phương phải xác định, hàng tháng, hàng quý có bao nhiêu hộ đã thoát nghèo. Thừa Thiên Huế sẽ phát động phong trào huy động tổng lực cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cùng chung tay, góp sức giảm nghèo bền vững trong năm 2022; phong trào bản làng, dòng tộc không có hộ nghèo và chuẩn bị kế hoạch giảm nghèo cho năm 2023 cũng như quyết tâm đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo trong năm tiếp theo.