Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

(Dân sinh) - Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh.

Vụ cháy xảy ra tại Nhà máy may mặc của Công ty Scacvi Huế - KCN Phong Điền hồi tháng 6/2022

Vụ cháy xảy ra tại Nhà máy may mặc của Công ty Scacvi Huế - KCN Phong Điền hồi tháng 6/2022

Mặc dù có nhiều cố gắng trong triển khai công tác phòng ngừa, tuy nhiên, tình hình cháy trong khu công nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp; thiệt hại về tài sản do cháy gây ra tăng cao. Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 22 vụ cháy. Cụ thể, có 5 vụ cháy rừng, 17 vụ cháy dân sự. Ngoài ra còn xảy ra 46 vụ sự cố cháy nhỏ, gây thiệt hại không đáng kể.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hơn 100 lượt xe chữa cháy cùng các phương tiện chuyên dụng, hơn 606 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; hướng dẫn thoát nạn cho hàng chục người trong các vụ cháy, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 4 người, ước tính giá trị tài sản cứu được hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tổ chức 99 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC với 4.656 người tham gia; 56 lớp huấn luyện nghiệp vụ CNCH với 2.137 người tham gia; 14 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH với 636 người tham gia. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH cũng được đơn vị đẩy mạnh. 

Cơ quan chức năng đánh giá, hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa cao trong việc thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy tại hộ gia đình. Đặc biệt, một số hộ gia đình sử dụng nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh còn bất cập trong việc bảo đảm công tác thoát nạn, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ. Qua công tác kiểm tra về PCCC và CNCH, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 76 trường hợp với số tiền là 685.800.000 đồng. Tạm đình chỉ hoạt động 6 cơ sở; đình chỉ hoạt động 5 cơ sở; phục hồi hoạt động 2 cơ sở.

Bên cạnh đó, các quy hoạch hạ tầng về PCCC vẫn còn chậm; hệ thống trụ cấp nước, ao hồ, các bến bãi lấy nước cho xe chữa cháy còn thiếu nhiều so với quy định; mạng lưới trụ sở các đội Cảnh sát PCCC còn thưa, bán kính hoạt động rộng ảnh hưởng đến việc triển khai công tác chữa cháy và CNCH dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn...

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy trong tại các cơ sở kinh doanh

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy trong tại các cơ sở kinh doanh

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra về PCCC trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó,đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu từng tuần đã đăng ký, đảm bảo đến ngày 12/12/2022 phải hoàn thành 100% cơ sở được kiểm tra về PCCC.

Ông Minh cũng yêu cầu lãnh đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị địa phương triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện tổng rà soát, kiểm tra về PCCC trên phạm vi toàn tỉnh trước lãnh đạo UBND tỉnh. UBND cấp huyện, sở Công Thương thực hiện rà soát, báo cáo cụ thể, rõ ràng các nội dung làm được, chưa làm được, nội dung nào vướng mắc, lập danh sách các cơ sở phải di dời, các cơ sở cần thực hiện các giải pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về PCCC; kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng cơ sở... Đối với các địa phương đang trong thời gian rà soát, nếu để xảy ra cháy, nổ thì phải kiên quyết xử lý nghiêm đối với lãnh đạo và Công an xã, phường, thị trấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt ứng dụng 114 trên thiết bị di động để cảnh báo các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.