Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế tham vấn đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Chiều 16/4, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tham vấn đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020  cho thấy, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 9.703 hộ nghèo, tỷ lệ 2,99%; tổng số hộ cận nghèo là 12.104 hộ, tỷ lệ: 3,73%.

Trong khi đó, nếu dựa theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 16.006 hộ nghèo (50.660 khẩu), tỷ lệ 4,93%; tổng số hộ cận nghèo là 12.803 hộ (41.043 khẩu), tỷ lệ 3,94%.

Qua đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao tại Thừa Thiên Huế tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh biên giới. Khu vực thành thị có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo thấp hơn.

Tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số vẫn chiếm tỷ lệ cao, tập trung 2 huyện A Lưới và Nam Đông, phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh biên giới.

Tại Thừa Thiên Huế, hộ nghèo và hộ cận nghèo không có khả năng lao động (hộ bảo trợ xã hội) cũng chiếm tỷ lệ cao; vẫn còn một số hộ nghèo và hộ cận nghèo là hộ người có công cách mạng.

Về các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, có 7 chỉ số thiếu hụt trên 30% đối với hộ nghèo là: việc làm, người phụ thuộc, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, nhà vệ sinh, dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin; có 3 chỉ số thiếu hụt trên 20% đối với hộ cận nghèo là: việc làm, bảo hiểm y tế, dịch vụ viễn thông.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo là do không có đất sản xuất, có người đau ốm, bệnh nặng, tai nạn; không có kỹ năng lao động, sản xuất; không có kiến thức sản xuất, không có vốn; không có lao động; không có công cụ, phương tiện sản xuất,…

Giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%. Cụ thể, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%, khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; khu vực thành thị không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động); các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 - 4,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Tỷ lệ hộ cận nghèo thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo của cả nước; 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Riêng huyện A Lưới, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 20% (giảm từ 7 – 9%/năm).

Ông Hoàng Xuân Thành, chuyên gia của Tổ tư vấn xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025

Ông Hoàng Xuân Thành, chuyên gia của Tổ tư vấn xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025

Theo các chuyên gia tổ tư vấn xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, để đạt được mục tiêu đề ra, Thừa Thiên Huế cần tập trung triển khai các biện pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế điều hành; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; huy động tối đa nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo bền vững.

Thừa Thiên Huế cũng cần tăng cường phân công phụ trách và đề ra chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể; triển khai Cơ sở dữ liệu hộ nghèo, quản lý hộ nghèo theo địa chỉ. Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo. Tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội Huy động nguồn lực hỗ trợ của cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và xã hội để chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo có công với cách mạng.

Đề xuất cơ chế riêng của tỉnh để trợ cấp hàng tháng cho hộ không có khả năng lao động và hộ người có công cách mạng đảm bảo mức sống ngang bằng mức trung bình của đại phương. Hướng dãn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm phù hợp đối với những lao động còn có khả năng lao động được.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tham gia phân tích là rõ thêm tình hình nghèo thực tế tại địa phương và đóng góp các ý kiến, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, sớm đưa Đề án triển khai áp dụng vào thực tế. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các giải pháp để giải quyết chiều thiếu hụt việc làm; tư liệu sản xuất; việc nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp với từng địa bàn cụ thể; việc huy động, phát huy các nguồn lực giảm nghèo. Mặt khác, các đại biểu cũng quan tâm đến cách tổ chức thực hiện Đề án đến từng cấp địa phương; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dân về giảm nghèo bền vững.        

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Hữu Phúc đề nghị các Sở, ban, ngành, các địa phương tập tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các ý kiến để Tổ tư vấn hoàn thiện dự thảo Đề án trong thời gian sớm nhất. Các địa phương cần sớm hoàn thành chương trình, nghị quyết về giảm nghèo ở cấp quản lý của mình gửi về Sở để có cơ sở xây dựng Đề án một cách toàn diện, bao phủ.