Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế triển khai chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Với kế hoạch nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số sẽ giúp triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng lồng ghép việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình, đề án và các nhiệm vụ khác thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. 

Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, phấn đấu 50% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 50% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.

Địa phương cũng mong muốn đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, phấn đấu đạt 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số. 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Thừa Thiên Huế sẽ phát triển ứng dụng nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025. Phấn đấu 50% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.

Về quản lý số và quản trị số, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến 2025 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh; 100% trường cao đẳng, trung cấp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; 50% hoạt động kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Thừa Thiên Huế cũng muốn phát triển ứng dụng bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào năm 2025. Phấn đấu ít nhất 50% các trường chất lượng cao là trường học số.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số; phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia…

Để đạt được những chỉ số nói trên, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học. 

Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp; nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.