Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế xếp thứ 5 toàn quốc về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019

Xếp ở vị trí thứ 43 năm 2018, nhưng đến năm 2019, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có bước nhảy vọt lên vị trí thứ 5 toàn quốc về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

Thừa Thiên Huế xếp thứ 5 toàn quốc về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 - Ảnh 1.

Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế

Chiều 28/4, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tại buổi công bố trực tuyến Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức diễn ra cùng ngày, Thừa Thiên - Huế đã có bước nhảy vọt khi đứng vào nhóm cao nhất, vươn lên xếp thứ 5 toàn quốc.

5 tỉnh, thành phố xếp cao nhất năm 2019 lần lượt từ vị trí số 1 đến số 5 là: Bến với 46,74 điểm; Đồng Tháp (46,72 điểm), Quảng Ninh (46,66 điểm), Bắc Giang (46,04 điểm) và Thừa Thiên - Huế (45,86 điểm).

Vị trí thứ 5 năm 2019 đã ghi nhận sự nhảy vọt mạnh mẽ của tỉnh Thừa Thiên – Huế khi biết rằng, một năm trước đó, tức năm 2018, địa phương này chỉ xếp ở vị trí 43/63 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số PAPI.

Trong tổng số điểm của năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên – Huế, chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,24 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định 5,29 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân 5,46 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,72 điểm; thủ tục hành chính công 7,20 điểm; cung ứng dịch vụ công 7,52 điểm; quản trị môi trường 4,11 điểm và quản trị điện tử 4,31 điểm.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Những nỗ lực trong đơn giản hóa thủ tục hành chính và quy trình xử lý hồ sơ, mở rộng cung ứng dịch vụ công qua mạng Internet vẫn chưa thu hút thêm nhiều người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương hay giúp người dân hài lòng hơn như mong đợi.

Được biết, nghiên cứu Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học thường niên với quy mô lớn nhất ở Việt Nam về giám sát thực thi chính sách. Năm 2019, 14.138 người dân đã tham gia khảo sát PAPI, chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua.

Dữ liệu và thông tin thực chứng từ Chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân. Chỉ số PAPI đóng vai trò là ‘tấm gương’ giúp các cấp chính quyền soi chiếu lại hoạt động trong một năm, đồng thời tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh, văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.