Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thúc đẩy các nỗ lực nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ tại Việt Nam

Ngày 10/5/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo “WeEmpower Asia - Dấu ấn hành trình” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự hội thảo, hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan bộ ngành, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội, doanh nghiệp và nữ doanh nhân trên toàn quốc đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi thúc đẩy các sáng kiến, nỗ lực nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm chia sẻ những bài học thành công của Chương trình WeEmpowerAsia sau 3 năm thực hiện (2019-2022) tại Việt Nam; cung cấp cho các cơ quan và doanh nghiệp có thêm thông tin, kinh nghiệm để thúc đẩy các sáng kiến nâng cao quyền kinh tế của phụ nữ; kiến tạo cơ hội việc làm, thu nhập bình đẳng, môi trường làm việc tốt cho người lao động phát huy hết khả năng để cống hiến và hưởng lợi, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Hội thảo hôm nay không chỉ có ý nghĩa nhìn lại dấu ấn hành trình của WeEmpowerAsia mà còn là cơ hội để các bên thảo luận nhằm duy trì các thành quả của dự án như một yếu tố phát triển bền vững cho chặng đường tiếp theo trong hành Trình đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và UN Women”.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khẳng định: “Trong khi kết quả Chương trình WeEmpowerAsia rất đáng khích lệ, chúng ta cần lưu ý một điều quan trọng là chuyển từ cam kết sang hành động cần nỗ lực và quyết tâm chính trị của tất cả các bên liên quan để đạt được mục tiêu phụ nữ có thể hoàn toàn tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ các hoạt động kinh doanh và môi trường làm việc bình đẳng”.

Ông Lê Thanh, Quản lý Chương trình của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Quan trọng là bảo đảm phụ nữ đóng góp và hưởng lợi công bằng từ quá trình chuyển đổi số xanh của Việt Nam trong bối cảnh sau đại dịch”.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Tại hội thảo, báo cáo tóm tắt kết quả chương trình WeEmpowerAsia tại Việt Nam, bà Nguyễn Kim Lan, Quản lý chương trình WeEmpowerAsia tại Việt Nam cho biết, sau 3 năm thực hiện, dự án WeEmpowerAsia đã đạt được những kết quả chính như:

- Chương trình đã lồng ghép giới vào Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Hỗ trợ Cục Phát triển Doanh nghiệp nghiên cứu và xây dựng Chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ năm 2021-2025.

- Thực hiện Nghiên cứu đánh giá tác động của COVID-19 trong doanh nghiệp và phục hồi hậu COVID-19 nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

- Nghiên cứu và vận động chính sách về bình đẳng giới trong doanh nghiệp.

- 3.323 doanh nghiệp do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về quản trị doanh nghiệp, thích ứng với bối cảnh COVID-19 và bình thường mới.

- Xây dựng Bộ Công cụ đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trực tuyến trên cổng thông tin của Cục Phát triển doanh nghiệp.

- Xây dựng 15 khóa đào tạo trực tuyến về kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho phụ nữ trên Hệ thống học tập trực tuyến của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc. Trong 15 tháng, 7.700 phụ nữ đã tham gia các khóa học.

- Xây dựng 10 chuyên đề đào tạo trực tuyến về khởi sự và phát triển kinh doanh cho phụ nữ trên Hệ thống học tập trực tuyến của Học viện Phụ nữ Việt Nam với hơn 3.000 học viên nữ tham gia. 

- 1.559 doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm về nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng.

- 136 doanh nghiệp Việt Nam đã ký ủng hộ nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ-WEPS

- Giải thưởng WEPs Awards 2020 và 2021 với 19 doanh nghiệp đạt giải thưởng trong nước, 2 doanh nghiệp đạt giải thưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương

- Xây dựng giáo trình đại học “Giới trong Kinh tế và Quản trị” trang bị kiến thức bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.

Tại hội thảo, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, đã giới thiệu và phát động Giải thưởng "Thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ" - WEPs Awards 2022.

Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ - WeEmpowerAsia là chương trình do UN Women hợp tác cùng Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp và Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Học viện Phụ nữ Việt Nam thuộc Hội Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ năm 2019 - 2022.