Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ sau đại dịch

(Dân sinh) - Đây là một trong những đề xuất của Đoàn Việt Nam tại hội nghị trực tuyến Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) với chủ đề “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm” diễn ra chiều 23/8, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 42.

 Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ sau đại dịch - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Trưởng Đoàn Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam

Chiều 23/8, tiếp tục chương trình Đại hội đồng AIPA 42, Đoàn Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) được tiến hành theo hình thức trực tuyến. 

Chủ tịch Ủy ban Nữ nghị sĩ AIPA, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman, thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei điều hành hội nghị. 

Trao quyền và bình đẳng cho phụ nữ: Ưu tiên quan trọng 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, các nghị viện thành viên AIPA có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, thể hiện qua việc ban hành các đạo luật và quy định nhằm giúp khắc phục hậu quả của đại dịch. 

Các nữ nghị sĩ AIPA cũng có vai trò đặc biệt tích cực, thể hiện qua việc cung cấp ý tưởng để bảo đảm về bình đẳng giới trong thu nhập và việc làm cho phụ nữ tại các quốc gia thành viên khu vực, từ đó nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman - Chủ tịch Ủy ban Nữ nghị sĩ AIPA, thành viên Hội đồng lập pháp Brunei nhấn mạnh, việc trao quyền và bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị là một ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN và các nỗ lực của các nữ nghị sĩ AIPA để giải quyết vấn đề bình đẳng giới là rất lớn. 

Tuy nhiên, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman lưu ý, dù đã có nhiều thành tựu nhưng phụ nữ, trẻ em vẫn gặp nhiều khó khăn và bất lợi ở ASEAN. "Ngay cả khi trước đại dịch Covid-19 diễn ra, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa được đồng đều và còn những khoảng cách về giới", bà nói.

Đề xuất dự thảo Nghị quyết, đại diện Đoàn đại biểu Hội đồng Lập pháp Brunei cho biết, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực và làm hàng trăm triệu lao động mất hoặc suy giảm việc làm, thu nhập và bất ổn định cuộc sống, trong đó số đông là phụ nữ. 

 Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ sau đại dịch - Ảnh 2.

Đoàn Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội

Đại dịch Covid-19 cũng mang tới sự gia tăng chuyển đổi số nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực và dự đoán các ngành nghề trong tương lai sẽ ngày càng phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, gia tăng tự động hóa. Điều này càng ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Nữ nghị sĩ AIPA nhấn mạnh, thu hẹp khoảng cách về giới là một trong các ưu tiên của ASEAN trong tiến trình đạt được sự phát triển bền vững và bao trùm. 

"Nội dung này cũng được đưa vào các mục tiêu và chỉ tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái", bà nói. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN, bất bình đẳng giới vẫn là thách thức không nhỏ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội”.

Từ những phân tích trên, Hội đồng Lập pháp Brunei đã đề xuất dự thảo Nghị quyết “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm” nhằm khích lệ các Nghị viện thành viên AIPA thực thi và tăng cường các chiến lược kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực số, cải thiện khả năng tiếp cận cũng như giá thành các công nghệ kỹ thuật số trong khi bảo đảm giảm thiểu các rủi ro về an ninh trong không gian số đối với phụ nữ. 

Dự thảo Nghị quyết cũng phản ánh các cam kết của AIPA trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN và AIPA, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, các hoạt động của AIPA cũng như các kế hoạch nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên tập trung thảo luận, góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm” do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam đề xuất.

Theo ý kiến đóng góp của các đoàn, vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ đã được nêu rõ trong mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN giai đoạn tới và dự thảo nghị quyết đưa ra vấn đề này chứng tỏ tầm quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia. 

Một số ý kiến cho rằng cần có cách ghi nhận khuôn khổ gia tăng bền vững bằng cách giảm khoảng cách về số, về kinh tế trong việc trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh sự bao trùm kinh tế và sự truy cập vào nền tảng số dành cho phụ nữ.

Nâng quyền năng kinh tế phụ nữ thông qua kỹ thuật số, tài chính bao trùm

Tham gia đóng góp vào dự thảo Nghị quyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch tác động mạnh mẽ và đặt ra những thách thức mới đối với phụ nữ trong việc tiếp cận việc làm, các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là tài chính. 

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng cho rằng, trong lĩnh vực số hóa không chỉ có khoảng cách giới mà còn cả phân biệt giới. 

Trong bối cảnh đó, các nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về kỹ thuật số và tài chính bao trùm, nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế của phụ nữ trong tương lai của việc làm và phục hồi sau đại dịch.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số giải pháp như: kêu gọi các quốc gia thành viên AIPA tăng cường vai trò của các Nghị viện trong việc kiểm soát và phòng ngừa Covid -19 thông qua việc tiếp cận công bằng và bình đẳng cũng như hợp tác, chia sẻ vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng của ASEAN… 

Dự thảo Nghị quyết cần kêu gọi các thành viên AIPA thúc đẩy hợp tác ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, xây dựng mạng lưới kết nối nhằm đào tạo và tạo việc làm cho phụ nữ; thực hiện nghiên cứu tác động toàn diện của Covid -19 đối với lao động nữ ASEAN để đưa ra kế hoạch sau đại dịch về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.

Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính kỹ thuật số thông qua các cơ chế bảo trợ xã hội, nhằm cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ này an toàn, bảo mật, hiệu quả, với giá cả phải chăng cũng như bảo đảm ổn định tài chính bền vững cho phụ nữ.

Các ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam vào dự thảo Nghị quyết được các đại biểu đánh giá cao và nghiên cứu tiếp thu vào dự thảo Nghị quyết để trình ra Đại hội đồng thông qua tại Phiên họp toàn thể thứ Hai. 

Sự tham gia tích cực, chủ động của Đoàn Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị WAIPA, Đại hội đồng AIPA 42 khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn hợp tác nghị viện khu vực và thế giới; 

Đồng thời, thể hiện vai trò của các nữ đại biểu Quốc hội trong tham gia giải quyết các vấn đề khu vực.

Theo sáng kiến của Việt Nam và Malaysia, lần đầu tiên trong lịch sử Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPO), Hội nghị Nữ nghị sỹ đã được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPO-19 tại Kuala Lumpur năm 1998.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy các sáng kiến của nữ nghị sỹ. Kể từ đó, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPO (WAIPO, sau này là WAIPA) đã trở thành một cơ chế chính thức tại các kỳ họp Đại hội đồng.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-41 ở Việt Nam năm 2020, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA) đã thông qua nghị quyết “Tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ”.