Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ

(Dân sinh) - Chiều 8/9, trong khuôn khổ chương trình Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã diễn ra Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) với chủ đề “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.

Nỗ lực để bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện thực chất

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 nêu rõ, thúc đẩy việc làm bền vững, thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực.

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm 2020 và những năm trước đây, những số liệu mới cập nhật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu người, tức 40% số lao động nữ toàn cầu hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, những nơi lao động nam đang làm việc thì ở các ngành ít bị ảnh hưởng hơn.

Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với các đại biểu dự hội nghị nữ nghị sĩ AIPA.

Do đó, "việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng khẳng định, với nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, với sự quan tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm.

"Năm 2019, Việt Nam tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc bảo đảm những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện thực chất và "không ai bị bỏ lại phía sau", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết.

Nữ nghị sĩ AIPA tích cực, đi đầu trong thực hiện "không để ai ở lại phía sau"

Tại Hội nghị, đại diện các đoàn Nghị viện thành viên AIPA đã chia sẻ thực trạng việc làm và thu nhập của lao động nữ của các quốc gia thành viên… Qua chia sẻ của các đại biểu, có thể thấy, nhìn chung vai trò của phụ nữ đang ngày càng được khẳng định trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, thậm chí được chú trọng trong các chương trình nghị sự của một số quốc gia (Brunei, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Việt Nam…).

Ở một số quốc gia, số lượng nghị sĩ nữ đã đạt mức khoảng 30%, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động của đất nước, ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… Đặc biệt, như chia sẻ của đại diện Đoàn Nghị viện Malaysia, khu vực công tại quốc gia này đang có những tín hiệu tích cực trong thúc đẩy quyền phụ nữ khi vừa bổ nhiệm nữ Chánh án đầu tiên, nhiều nữ nghị sĩ giữ vai trò quan trọng trong các ủy ban của Thượng viện và Hạ viện Malaysia.

Các đại biểu cũng cho rằng, trong ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, phụ nữ gặp nhiều rủi ro, như mất việc làm, thu nhập, ảnh hưởng đến điều kiện sống hơn. Các quốc gia trong khu vực ASEAN đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động bị mất việc hoặc gián đoạn công việc bởi đại dịch nói chung, trong đó đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ chính thức và không chính thức cho lực lượng lao động nữ giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, nhiều đại biểu cũng khẳng định, các nghị viện thành viên AIPA có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, thể hiện thông qua việc ban hành các đạo luật và quy định nhằm giúp khắc phục hậu quả Covid-19 bằng bất cứ biện pháp nào có thể. Trong đó, các nữ nghị sĩ AIPA cũng có vai trò quan trọng, thể hiện qua việc cung cấp ý tưởng để bảo đảm về thu nhập và việc làm cho phụ nữ trong các quốc gia thành viên khu vực ASEAN. Theo đại diện Đoàn Nghị viện Malaysia, do nữ giới chịu tác động nhiều hơn nam giới bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các nghị sĩ nữ trong AIPA xác định, cần có vai trò tích cực hơn, đi đầu trong thực hiện phương châm "không để ai ở lại phía sau" được Quốc hội Việt Nam đưa ra tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 này.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - đây là cơ sở pháp lý cho việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật, trong đó có lĩnh vực việc làm và thu nhập.

Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào quá trình thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật trình Quốc hội, trong đó có những dự án luật thuộc lĩnh vực việc làm và thu nhập. Do đó, những dự án luật có liên quan đến lĩnh vực này như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… đều được xây dựng bảo đảm những nguyên tắc về bình đẳng giới. Trong tổ chức thực hiện, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và thu nhập bình đẳng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa cũng cho biết, dù Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng tại các quốc gia thành viên ASEAN, Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường lao động, đến người lao động, trong đó có lao động nữ ở Việt Nam.

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, các nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia quá trình xem xét và thông qua gói hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bảo đảm thu nhập cho người lao động và gia đình. Phát huy vai trò là người đại biểu của Nhân dân, kịp thời động viên cử tri và Nhân dân tích cực hưởng ứng, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Giám sát việc thực hiện các chính sách ứng phó với đại dịch và hỗ trợ hậu Covid-19. Thực hiện lồng ghép các nội dung có liên quan trong khi giám sát các chuyên đề của Quốc hội...

Sau khi thảo luận về chủ đề "Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ" của Hội nghị, các Đoàn Nghị viện thành viên AIPA đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết của AIPA 41.