Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thực hiện đồng bộ các chính sách đối tượng bảo trợ xã hội

(Dân sinh)- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác trợ giúp xã hội năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) chiều 30/12. Theo đó, Thứ trưởng lưu ý: Năm 2020 là năm đặc biệt, phải chủ động, tích cực hơn, về công tác bảo trợ xã hội để có nhận thức mới, để chuẩn bị cho 5 năm và 10 năm tới.

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách BTXH, năm 2019 các đối tượng đã được tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực kinh tế, dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý… Số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. 

Thực hiện đồng bộ các chính sách đối tượng bảo trợ xã hội - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi nêu phương hướng nhiệm vụ lĩnh vực bảo trợ xã hội năm 2020

Hiện có 3.041.731 người được trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó: 50.929 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.733.672 NCT; 1.098.240 NKT và 158.889 đối tượng khác với tổng kinh phí 17,150 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có 59 tỉnh, thành phố triển khai chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng. Cả nước có trên 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; hơn 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT, hơn 1,57 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe…

Thực hiện đồng bộ các chính sách đối tượng bảo trợ xã hội - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2019 của Cục Bảo trợ xã hội, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, khẳng định: "Kết quả này đã góp vào kết quả toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Dảng, Quốc hội giao".

Về nhiệm vụ năm 2020, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý, Cục BTXH khẩn trương, xây dựng chiến lược an sinh xã hội của ngành 10 năm tới. Chiến lược phải có tầm nhìn dài hơi, và phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế. Làm sao cho hài hòa, toàn diện. Cùng với đó, cần tập trung  cho công tác xây dựng thể chế. "Rà soát hệ thống văn bản cái gì không khả thi cần sửa đổi; khẩn trương quy hoạch mạng lưới cơ sở; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện phương thức chi trả qua bưu điện. Rà soát bộ máy tổ chức để tham mưu lãnh đạo Bộ trước tình trạng nhiều địa phương sát nhập các phòng ban về lĩnh vực BTXH…", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.