Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thực phẩm chức năng - Vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Nguyễn Thanh Phong, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) của nước ta hiện nay có hơn 20.000 sản phẩm, kể cả nhập khẩu, trong đó 60% là sản xuất trong nước. Thị trường vô cùng phong phú phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh xương khớp, đau dạ dày, gan mật, ung thư, làm đẹp…

Trong số các sản phẩm TPCN vi phạm có rất nhiều loại sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh, nhất là các TPCN có nguồn gốc dược liệu, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc.

Từ đầu năm đến nay,  Cục ATTP đã xử phạt 45 công ty sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm với số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng. Sai phạm chủ yếu vẫn là những hành vi quảng cáo không đúng thực chất, công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng. Câu chuyện quản lý vẫn là bài toán "đau đầu" của cơ quan chức năng.

Thực phẩm chức năng - Vấn nạn hàng giả, hàng nhái - Ảnh 1.

Trong số các sản phẩm TPCN vi phạm có rất nhiều loại sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, một vấn nạn nhức nhối khác, đó là việc quảng cáo quá lời, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Như khi dịch Covid-19 hoành hành, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo nhiều loại TPCN có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị đã “mượn” hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm.

Trên website chính thức của Viện Dinh dưỡng quốc gia từng đưa ra cảnh báo về hiện tượng mạo danh tên Viện, sử dụng logo, hình ảnh các bác sĩ của Viện để bán sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ qua mạng xã hội Facebook. Nhiều bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Viện Nhi T.Ư cũng phải lên tiếng vì tình trạng “mạo danh” để quảng cáo TPCN.

Bên cạnh đó, rất nhiều quảng cáo TPCN có nội dung “lập lờ đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm. Không ít người vì tin lời quảng cáo nên đã bỏ nhiều tiền ra mua TPCN để trị bệnh, bỏ lỡ quy trình điều trị, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Đề cập đến thực trạng quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Chẳng hạn, với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tiến hành phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc ít nhất cũng kéo dài cuộc sống. Vì tin vào quảng cáo TPCN có thể chữa được bách bệnh nên người bệnh mua về dùng thay vì phải đến bệnh viện. Thế nhưng, khi họ dùng TPCN không khỏi, quay lại bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Trong khi đó, hiện nay, các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo TPCN thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt chưa đủ sức răn đe cùng với biện pháp bổ sung là gỡ bỏ nội dung quảng cáo.