Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thực trạng nhà ở riêng lẻ "biến thành" chung cư mini

(Dân sinh) - Nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn càng ngày càng tăng, nhưng không phải ai cũng đủ tiền để mua một căn nhà hoặc một căn hộ chung cư cao cấp, bởi bạn phải có trong tay 1 - 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu bạn có khoảng 500 - 600 trăm triệu thì có mua được chung cư hay không? Câu trả lời là chung cư mini.

Có cầu ắt có cung, vì vậy loại căn hộ này xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng cũng không ít chung cư mini được "hô biến" từ nhà ở riêng lẻ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, loại hình chung cư mini trá hình thường được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô 5 - 10 tầng. Hầu hết các công trình dạng này đều có dấu hiệu sai phạm, có kiến trúc lộn xộn, tự ý nâng chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị, chia nhỏ căn hộ để bán hoặc cho thuê. Những công trình sai phạm này đều do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư với lý do ban đầu là làm nhà ở, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Thực trạng nhà ở riêng lẻ "biến thành" chung cư mini - Ảnh 1.

Loại hình nhà ở riêng lẻ trá hình thành chung cư mini, thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở kiểu khép kín, xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tự ý nâng tầng, nâng chiều cao nhà...

Chỉ với diện tích nhỉnh hơn 200 m2, nhưng chung cư mini ở đây có tới gần 30 hộ dân sinh sống. Nỗi lo về nguy cơ cháy nổ luôn thường trực. Loại hình chung cư mini không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn phòng cháy chữa cháy mà còn rủi ro về tính pháp lý khi người dân sang nhượng, mua bán.

Nhà ở riêng lẻ của tư nhân được tự ý xây thành chung cư mini tập trung nhiều ở các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy… Dù ở quận nào, chúng đều có những vi phạm giống nhau. Ngoài ra, chúng còn có một điểm chung khác đó là cùng tồn tại với những vi phạm mà không bị ai xử lý.

Thực trạng nhà ở riêng lẻ "biến thành" chung cư mini - Ảnh 2.

Loại hình chung cư mini không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn phòng cháy chữa cháy mà còn rủi ro về tính pháp lý khi người dân sang nhượng, mua bán.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ, mà quyền lợi của người mua nhà cũng không được đảm bảo, nhất là khi phát sinh giao dịch mua bán, chuyển nhượng.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi tới tất cả các tỉnh, thành phố, yêu cầu UBND các tỉnh ,thành phố siết chặt quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ trá hình thành chung cư mini, thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở kiểu khép kín, xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tự ý nâng tầng, nâng chiều cao nhà... và tự do mua bán chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý nên được thực hiện ra sao để tránh "đầu voi đuôi chuột", "trên nóng dưới lạnh"?

Việc siết chặt quản lý của cơ quan nhà nước là để xây dựng đúng quy hoạch, xây dựng đúng như giấy phép, còn ở khía cạnh của người dân, nhu cầu của chung cư mini là có. Tuy nhiên, để tránh những vướng mắc về sau, người dân cần tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý về căn hộ mà mình sẽ sở hữu.