Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ Báo cáo về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021

(Dân sinh) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin, theo thống kê của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt nữ trong 6 tháng đầu năm 2021 là 13/29, đạt 45%. Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26% (cao hơn Khóa XIV 3,46%) và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây...

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ Báo cáo về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên thẩm tra

Thực hiện chương trình công tác, chiều 6/9, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26%

Báo cáo tại phiên thẩm tra, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Nghị quyết số 28/NQ-CP với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, với 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực được đề ra.

"Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Chính phủ đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chiến lược qua việc rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm nguyên tắc về bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới...", Thứ trưởng cho biết. 

Về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược 6 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin, theo thống kê của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt nữ trong 6 tháng đầu năm 2021 là 13/29, đạt 45%. 

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26%, cao hơn Khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây...

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ Báo cáo về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà báo cáo tại phiên thẩm tra

Về tác động của đại dịch Covid-19 đến bình đẳng giới và việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 ở Việt Nam xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; y tế và chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo; gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài ra, trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Việc thực hiện chiến lược đã được triển khai rộng khắp 

Năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện Chiến lược của giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, với sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện chiến lược đã được triển khai rộng khắp và bước đầu đạt được một số kết quả. 

Cụ thể: Các bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các nội dung của Chiến lược; thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt trong chỉ đạo điều hành góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân; 

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; kịp thời đánh giá tác động xã hội, tác động giới, đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong đó có tính tới các nhóm đặc thù là phụ nữ, lao động nữ, trẻ em... chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, về lĩnh vực kinh tế, lao động, theo Thường trực Ủy ban Xã hội, đại dịch tiếp tục làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới vốn có trong thị trường lao động và tạo ra những bất bình đẳng mới…

Nhiều ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội thẳng thắn chỉ ra thực tế một số bộ, ban, ngành, địa phương còn chưa thực sự quan tâm về việc triển khai Chiến lược; một số chính sách còn chưa có số liệu phân tách về giới nên ảnh hưởng đến việc ban hành cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ…

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, sau buổi làm việc tích cực, khẩn trương, Phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban sẽ hoàn thiện thêm báo cáo thẩm tra để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuẩn bị cho việc thẩm tra chính thức nội dung này vào Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban tới đây.