Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh đối với trẻ em

Thói quen chơi đùa với đất cát, không thể tiêm vaccine phòng bệnh gây tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh ở trẻ nhỏ.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh đối với trẻ em - Ảnh 1.

Các bác sỹ chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não màng não bệnh nhân. Ảnh: TTXVN

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết các bác sỹ Khoa Bệnh Nhiệt đới của Trung tâm Sản Nhi của bệnh viện vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 54 tháng tuổi bị viêm não-màng não do nhiễm giun đũa chó, mèo.

Bệnh nhi N.D.Đ (trú tại Xuân Huy, Lâm Thao, Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Sản Nhi trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều và đau đầu vùng trán đỉnh.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sỹ đánh giá trẻ có Hội chứng não-màng não.

Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan, dương tính với giun đũa chó mèo và sán lá gan lớn.

Bệnh nhi đã được chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và thực hiện chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não-màng não.

Bác sỹ chuyên khoa I Bùi Thị Đến, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Sản Nhi, cho biết trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát - nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.

Theo bác sỹ Bùi Thị Đến, tác nhân gây bệnh là Toxocara canis, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo.

Loài giun này đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần các trứng này sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng.

Trứng giun thường có trong đất hoặc nước nhiễm phân chó, mèo.

Ngoài ra, ấu trùng giun còn có thể có trong thịt chó, mèo. Người bệnh ăn phải thịt chó, mèo chưa chế biến kỹ có thể sẽ bị lây bệnh.

Sau khi trứng vào cơ thể người, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột, theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, mắt, hệ thần kinh trung ương.

Các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt thì các ấu trùng di chuyển hoặc chúng ngưng phát triển nhưng chỉ sau khi đã gây tổn thương tại các mô.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo, bác sỹ Bùi Thị Đến khuyến cáo người dân, đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo, cần vệ sinh môi trường, nhất là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và vui chơi của trẻ em.

Người dân không nên cho trẻ chơi ở những nơi có phân chó mèo hoặc những động vật khác; dạy cho trẻ em về sự nguy hại khi ăn thức ăn bẩn; xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn; không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín; tẩy giun cho chó, mèo thường xuyên.

Chó, mèo con cần được tẩy giun ngay từ khi 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần.

Theo tờ điện tử Zing.vn, 14 chiến dịch tiêm chủng cho hơn 13 triệu người trên thế giới đã bị hoãn lại vì cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Tại buổi họp báo hôm 27/4, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết việc tiêm vaccine phòng chống bệnh bại liệt, sởi, dịch tả, papillomavirus ở người, sốt vàng và viêm màng não ở nhiều nơi trên thế giới đã không được thực hiện.

"Khi phạm vi người được tiêm chủng giảm, sẽ có nhiều đợt dịch bùng phát hơn nữa, bao gồm các bệnh đe dọa đến tính mạng như sởi và bại liệt", ông Ghebreyesus nói. "Hậu quả bi thảm là trẻ em sẽ chết".

Ông Ghebreyesus cho biết tình trạng thiếu vaccine chống lại các bệnh trên đã được ghi nhận ở 21 quốc gia do các biện pháp hạn chế biên giới để ngăn Covid-19.