Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiễn đưa đồng chí Nguyễn Thọ Chân về nơi an nghỉ cuối cùng

(Dân sinh) - Ngày 12/1, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Thọ Chân, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, Phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).

Đến tham dự lễ truy điệu có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và TP.HCM. 

Thay mặt Ban tổ chức Lễ tang đọc lời điếu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Đồng chí Nguyễn Thọ Chân - người con ưu tú của quê hương Thanh Trì - Hà Nội, một cán bộ lão thành cách mạng mẫu mực, một đảng viên cộng sản kiên trung, đã cống hiến trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”.  

Ôn lại cuộc đời và quá trình tham gia hoạt động cách mạng, công tác của đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, cuộc đời của đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về học tập suốt đời. Đồng chí luôn tự nhận rằng, bản thân sống được đến ngày hôm nay là nhờ cách mạng, nhờ đồng chí, đồng đội và nhân dân, suốt đời noi gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đọc điếu văn truy điệu đồng chí Nguyễn Thọ Chân. (ảnh: Thành uỷ TP.HCM).

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đọc điếu văn truy điệu đồng chí Nguyễn Thọ Chân. (ảnh: Thành uỷ TP.HCM).

"Trọn cuộc đời theo cách mạng, với 102 tuổi đời, 85 năm tuổi Đảng, hai lần bị giặc bắt tù đày, được giao nhiều trọng trách khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng ở cương vị nào đồng chí cũng đem hết tâm sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân không hề so tính. Ý chí, nghị lực, lòng trung thành, dũng cảm của đồng chí là biểu tượng cao đẹp của người cộng sản, là tấm gương sáng ngời về nhân cách làm người, đạo đức cách mạng cho các thế hệ sau noi theo", Bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động.

Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, với đồng chí, đồng đội, đồng chí Nguyễn Thọ Chân luôn ân cần chu đáo, gần gũi chân tình, lắng nghe chia sẻ. Với bà con khu phố, đồng chí là người giản dị khiêm nhường, sống chan hòa, luôn cầu thị. Với gia đình, đồng chí là người cha, người ông hết lòng thương yêu, chăm lo nuôi dạy con, cháu nên người. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ mất mát của gia đình đồng chí Nguyễn Thọ Chân, mong gia đình nén lại đau thương, luôn hãnh diện về người cha, người ông đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho nhân dân, cho đất nước. Đồng chí cũng thay mặt những người dự lễ bày tỏ nguyện học tập noi theo tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Thọ Chân, sống xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ tiền nhân. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và TP.HCM đế viếng tâng đồng chí Nguyễn Thọ Chân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và TP.HCM đế viếng tâng đồng chí Nguyễn Thọ Chân.

Sáng cùng ngày, đông đảo cơ quan, đơn vị, tổ chức, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của gia đình đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã đến viếng tang đồng chí. Trong đó, có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung,...

TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỌ CHÂN

Cán bộ Lão thành Cách mạng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III

-----

Đồng chí NGUYỄN THỌ CHÂN, bí danh Sáu Khanh (các bí danh khác: Phi, Hoan), sinh ngày 20-8-1922, quê quán xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; thường trú tại số 85 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP.HCM; tham gia cách mạng năm 1936, vào Đảng tháng 9-1939.

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1936, tham gia nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin ở xã Đông Mỹ. - Năm 1938 đến 1939: Tham gia Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Xã hội tại trường Trung học Thăng Long, Hà Nội.

- Tháng 9-1939: Gia nhập Đảng Cộng sản Chi bộ Thanh Trì, phụ trách Tuyên huấn và Thanh niên cứu quốc.

- Tháng 10-1941 đến 4-1942: Thoát ly, làm công nhân xưởng pháo Bình Đà để gây cơ sở.

- Tháng 4-1942 đến 1-1943: Tỉnh ủy viên rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.

- Tháng 1-1943 đến 4-1943: Bí thư Thành ủy Hà Nội rồi bị bắt.

- Tháng 4-1943 đến 9-1945: Bị bắt ở tù Hỏa Lò, Sở Mật thám Hà Nội, Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo.

- Tháng 10-1945 đến 3-1946: Công tác vận động thống nhất Việt Minh cũ, Việt Minh mới ở Gia Định, Thư ký tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Gia Định.

- Tháng 3-1946 đến 4-1951: Tổ chức lại Thành ủy và các đoàn thể ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Thành ủy (1946), rồi Phó Bí thư phụ trách nội thành, rồi Thường vụ Thành ủy, Bí thư nội thành cho tới tháng 1-1949, ra Việt Bắc dự hội nghị toàn quốc (tháng 1-1950), học trường Đảng cao cấp ở Việt Bắc (1949), trở về Nam bộ chỉ định tham gia Thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

- Tháng 4-1951 đến 9-1954: Bị bắt ở Sài Gòn, bị giam tra tấn ở Catinat (3 tháng), sang ở Khám Lớn rồi Khám Chí Hòa, làm Bí thư Đảng ủy Lao Chí Hòa, Trưởng Ban Tự học toàn Khám Chí Hòa.

- Tháng 10-1954 đến 4-1956: Địch trao trả ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Học tập, đi lao động, đi cải cách ruộng đất làm đội viên đội phó phụ trách thống kê ở Bắc Giang, Thái Bình.

- Tháng 4-1956 đến 3-1959: Được phân công về Bộ Lao động lần lượt giữ chức vụ: Giám đốc Thanh tra lao động, Giám đốc Vụ Quản lý nhân công, Ủy viên Đảng đoàn Bộ.

- Tháng 3-1959 đến 2-1960: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng Ban Công nghiệp, Trưởng Ban Cải tiến quản lý xí nghiệp.

- Tháng 2-1960 đến tháng 7-1961: Học Trường Nguyễn Ái Quốc lớp lý luận 18 tháng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Tháng 9-1961 đến 9-1966: Bí thư Khu ủy Hồng Quảng rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

- Tháng 10-1966 đến 1-1972: Về Bộ Ngoại giao làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô và Thụy Điển.

- Tháng 4-1972 đến 4-1974: Phó Trưởng Ban Thống Nhất Trung ương kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống Nhất Chính phủ.

- Tháng 5-1974 đến 6-1981: Bộ trưởng Bộ Lao động, Bí thư Đảng đoàn Bộ.

- Tháng 6-1981 đến 6-1989: Trưởng Ban Thi đua Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua toàn quốc trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

- Tháng 6-1989: Nghỉ hưu, về sinh hoạt tại Chi bộ 7A phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội và làm Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

- Tháng 6-1991: Chuyển vào TP.HCM sinh hoạt tại chi bộ 1B phường 3, quận 3, làm Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị thành phố và Chủ tịch Thành hội Sinh vật cảnh TP.HCM.

Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.