Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiền Giang: Nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn lao động

Trong những năm qua, chính sách, pháp luật về lao động đã được ban hành ngày càng đầy đủ, cụ thể, đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến việc cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.

Để thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Đặc biệt vào Tháng ATVSLĐ hằng năm, Ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp triển khai công tác ATVSLĐ theo chủ đề, có trọng tâm, trọng điểm, phân theo từng nhóm đối tượng, từng chương trình phù hợp.

Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: Tập huấn, huấn luyện trực tiếp, thông qua các cuộc thi, hội nghị, hội thảo chuyên đề, đối thoại với người lao động và với chủ doanh nghiệp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn...

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác ATVSLĐ đã chủ động tham mưu giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt những quy định pháp luật về ATVSLĐ. Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình ATVSLĐ trong sản xuất; đôn đốc, nhắc nhở người lao động chấp hành nội quy lao động tại nơi sản xuất... Nhờ đó, công tác ATVSLĐ ở các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.

Thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động.

Thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động.

Cụ thể, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thường xuyên rà soát, thực hiện tự kiểm tra về ATVSLĐ; xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ cho người lao động; có báo cáo tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đúng thời gian quy định; thực hiện về nội quy, quy trình, rà soát các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ, rủi ro. Thực hiện quan trắc môi trường lao động, huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng huấn luyện và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

 

Cùng với đó, người lao động cũng chấp hành tốt nội quy, quy trình, quy phạm đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Chủ động và tích cực tham gia cùng người sử dụng lao động trong việc thực hiện biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp. Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát; trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa, hạn chế các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho chính bản thân nhằm đem lại hạnh phúc cho gia đình, góp phần phát triển doanh nghiệp và xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tháng hành động về ATVSLĐ,  để đảm bảo ATVSLĐ, từng bước cải thiện điều kiện lao động, tạo môi trường làm việc an toàn và hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, trước hết, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất cần nhận thức rõ ATVSLĐ là điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển ổn định và bền vững. Do đó, doanh nghiệp, chủ cơ sở phải chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ.

Mỗi công nhân, viên chức, lao động trong quá trình làm việc phải chấp hành nghiêm nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ; kịp thời báo cáo với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động hoặc gây bệnh nghề nghiệp.

Các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; đảm bảo ATVSLĐ; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động”.

Tổ chức tuyên truyền an toàn lao động đến người dân.

Tổ chức tuyên truyền an toàn lao động đến người dân.

Năm 2021, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 137 vụ TNLĐ, số người bị TNLĐ là 137 người, làm chết 9 người, bị thương nặng 19 người; trong đó, có đến 97,8% số vụ xảy ra trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp… Các vụ TNLĐ xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội, ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ nhưng nguyên nhân chính phải kể đến đó là một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ; còn chủ quan đối với công tác kiểm tra, đánh giá, nhận diện các nguy cơ mất an toàn; không ít người lao động còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức nên chưa tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, dẫn đến các vụ TNLĐ thương tâm.

Ông  Lý Văn Cẩm – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền các thông điệp, tài liệu, ấn phẩm, video với chủ đề, nội dung về ATVSLĐ đến các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tại các công trường đang thi công xây dựng với các hình thức như: Trực tiếp tại công trình, qua internet, qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác quản lý an toàn trong thi công xây dựng; xử lý vi phạm về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật. Tổ chức khen thưởng về ATVSLĐ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác ATVSLĐ.

Đồng thời rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ tại đơn vị, tại các công trường thi công; quy định rõ trách nhiệm quản lý về ATVSLĐ đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, các cá nhân trong đơn vị; rà soát bổ sung các quy định, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ; tổ chức xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng; đánh giá quản lý nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.

Tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn, khả năng nhận diện nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho người lao động; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ATVSLĐ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chuyên đề về ATVSLĐ; giao lưu, tham quan các mô hình quản lý tốt về ATVSLĐ; tổ chức tự kiểm tra về ATVSLĐ tại nơi làm việc; các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm, điều kiện tại cơ quan, đơn vị. Thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.