Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiền Giang: Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch

(Dân sinh) - Đi trước, đón đầu trong phát triển du lịch và sản phẩm du lịch, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Tiền Giang đã mạnh dạn đầu tư phát triển nhăm nâng cao nguồn thu nhập.

Trong năm 2021 và Quý 1 năm 2022, Tiền Giang đã thành lập mới 23 hợp tác xã (trong đó có 19 hợp tác xã nông nghiệp và 4 hợp tác xã vận tải), giải thể 1 hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh có 247 hợp tác xã các loại; thu hút 87.301 thành viên tham gia, tăng 8.116 thành viên so với cuối năm 2020; tạo việc làm cho 30.634 lao động, tăng 3.347 lao động; tổng doanh thu trên 2.651 tỷ đồng, lợi nhuận trên 73 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. 

Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),... các hợp tác xã được hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tham gia mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP. 

Mô hình HTX chăn nuôi dê sữa kết hợp với phát triển du lịch.

Mô hình HTX chăn nuôi dê sữa kết hợp với phát triển du lịch.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện một số mô hình hợp tác xã thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nổi bật như Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ Phường 1, Hợp tác xã Rạch Gầm, Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn, mô hình hợp tác xã phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và kết hợp với du lịch nông thôn.

Bà Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Nghi cho biết, ngày nay người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm mới lạ có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Sản phẩm từ sữa của HTX được thị trường trong nước ưa chuộng.

Du khách đến với Tiền Giang đều thích thú tham quan những khu chăn nuôi, vườn trái cây,...

Du khách đến với Tiền Giang đều thích thú tham quan những khu chăn nuôi, vườn trái cây,...

Hiện HTX đã ký hợp đồng cung ứng thường xuyên các sản phẩm sữa chua, bánh flan cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Sau thành công của sản xuất dê giống và các sản phẩm từ sữa dê, HTX bắt đầu mở thêm mô hình du lịch nông nghiệp. 

Với diện tích hơn 25.000m2, HTX Đông Nghi được chia thành 3 khu vực: khu vực trồng cỏ trải dài hơn 20.000m2, khu trang trại nuôi hơn 300 con dê sữa Saanen và Nhà chờ đón khách với sức chứa 500 khách rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê. 

Vé tham quan vào nông trại là 40 nghìn đồng/ người. Để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, thu hút du khách, HTX sẽ tiến hành phối hợp với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.