Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiền Giang: Tập huấn công tác phòng dịch bệnh cho giáo viên của 61 cơ sở giáo dục

(Dân sinh) - Ngày 18/3, Phòng GD&ĐT TP Mỹ Tho phối hợp cùng Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho tổ chức tập huấn trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông nhiều cấp học trên địa bàn Thành phố.

Điểm cầu chính đặt tại Phòng GD&ĐT, 61 điểm cầu đặt tại 30 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 1 trường khuyết tật nhân ái, 10 trường trung học cơ sở và 2 trường phổ thông nhiều cấp học với sự tham gia của hơn 1.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế nhà trường ở 3 cấp học.

 Nội dung tập huấn gồm: Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp (công văn số 796/BYT của Bộ Y tế); Cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (Công văn số 762/BYT-DP của Bộ Y tế); Hướng dẫn giám sát, truy vết, phân luồng, cách ly tạm thời khi có ca nhiễm tại trường học; cách sử dụng thuốc để khử khuẩn môi trường, vệ sinh bề mặt, cách mặc đồ bảo hộ.

Giáo viên tham gia trực tuyến tại điểm cầu Trường THCS Lê Ngọc Hân.

Giáo viên tham gia trực tuyến tại điểm cầu Trường THCS Lê Ngọc Hân.

Cách xác định học sinh có dấu hiệu nhiễm bệnh; cách xử lý trong trường hợp học sinh F0, F1 ở lớp không để phụ huynh và học sinh hoang mang; truy vết F0 ở lớp; thời gian học sinh F0 quay trở lại trường học trược tiếp; hướng dẫn phụ huynh xử lý khi có con em mắc F0 tại nhà; y tế địa phương (phường, xã) hỗ trợ nhà trường trong việc lấy mẫu.

Cán bộ y tế các trường lo ngại về việc khi 1 học sinh là F0 phải lấy mẫu cả lớp, sau 2-3 ngày lại tiếp tục lấy mẫu nếu lớp có thêm 1 học sinh là F0. Điều này gây khó khăn cho nhân viên y tế khi lực lượng này vừa mỏng lại vừa thiếu (mỗi trường chỉ có 1 nhân viên y tế phụ trách, có trường có trên 60 lớp) nên không thể làm hết việc. Hơn nữa, nhân viên y tế địa phương không thể cùng lúc hỗ trợ được cho các trường trên địa bàn.

Buổi tập huấn có hơn 1.900 giáo viên của 61 cơ sở giáo dục tham gia.

Buổi tập huấn có hơn 1.900 giáo viên của 61 cơ sở giáo dục tham gia.

Thầy Phan Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết, có nhiều bất cập cần được giải quyết. Cụ thể: sau khi điều trị khỏi F0 tại nhà, để giảm áp lực cho các cơ sở y tế phường, xã, giáo viên và phụ huynh có thể xin giấy xác nhận của các phòng khám tư nhân được hay không; thời gian học sinh bị nhiễm bệnh tiếp xúc bao lâu để truy vết? Nguồn kinh phí và nơi mua kit xét nghiệm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và giá tốt nhất…

Đại diện Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho cho biết, những vấn đề còn bất cập sẽ được trình lên cấp trên để giúp nhà trường tháo gỡ khó khăn, giúp tạo an toàn cho học sinh đến trường.

Được biết, ngày 16/3, Sở Y tế Tiền Giang đã công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, huyện và tỉnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ ngày 10/3 đến 16/3. Theo đó, toàn tỉnh đã chuyển từ cấp độ 1 lên cấp 2 (vùng vàng) và cả tỉnh chỉ còn duy nhất huyện Cái Bè ở cấp độ 1 “vùng xanh”, TP. Mỹ Tho chuyển từ “vùng xanh” sang “vùng vàng” (cấp độ 2), còn lại 9 huyện, thị của tỉnh đã chuyển lên cấp độ 3 “vùng cam”.