Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiền Giang: Từng chính sách, dự án đến tay người nghèo

(Dân sinh) - Năm 2019, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Với những nỗ lực này, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh giảm còn 2,51% (giảm 0,89% so với cuối năm 2018), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là còn 2,99%.

Chính sách tạo đà thoát nghèo bền vững

Ông Phạm Minh Trí - GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho hay, hiện nay, nhìn chung, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước, như: Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông - lâm - ngư; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…

Đối với khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Người dân đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn.

Tiền Giang: Từng chính sách, dự án đến tay người nghèo - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm giúp nhiều hộ nghèo tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững

Bên cạnh đó, tỉnh  đã tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo, chú trọng đầu tư cho những vùng khó khăn nhất; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do ngành làm chủ; đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững. Kịp thời phân bổ các nguồn vốn thực hiện hỗ trợ phương thức sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có phương tiện phục vụ sản xuất, tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ mới, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững trên toàn tỉnh.

Cụ thể, chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Chính sách cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi; Chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh; Chính sách hỗ trợ tiền điện; Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Công tác khuyến nông - lâm -  ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo.

Phát huy, nhân rộng các mô hình hiệu quả và bền vững

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 12.629 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,51% so tổng số hộ toàn tỉnh (502.321 hộ) đạt 116% so với kế hoạch.

Các địa phương triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đúng đối tượng (tập trung chủ yếu là hộ nghèo và hộ cân nghèo), đúng định mức và đạt hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân có thu nhập, góp phần giảm nghèo và từng bước vươn lên khá giả. Đồng thời đã triển khai lồng ghép nhiều hoạt động ở địa bàn nông thôn, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã làm thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật gồm 05 mô hình "Quản lý bệnh thối rễ, chết cành trên mãng cầu xiêm" (03 mô hình tại huyện Tân Phú Đông, 02 mô hình tại huyện Gò Công Tây với quy mô mỗi mô hình là 0,2 ha); 10 mô hình "Quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long" tại các huyện Chợ Gạo, Tân Phước và Gò Công Tây; 05 mô hình "Quản lý bệnh khô cành thối rễ trên cây Vú Sữa" tại huyện Cai Lậy, Châu Thành và Cái Bè. Hiện các mô hình đã được hướng dẫn phòng trừ dịch hại theo quy trình.

Tiền Giang: Từng chính sách, dự án đến tay người nghèo - Ảnh 3.

Năm 2020, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của tỉnh xuống còn 2,25% so với dân số toàn tỉnh, hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 11.279 hộ (giảm 1.600 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ 0,27%)

Huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, từ nguồn vận động và Quỹ "Vì người nghèo", Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chi cho các hoạt động như Xây dựng 8 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách nghèo; xây dựng 627 căn và sữa chữa 88 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Xây dựng 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền giang. Hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất cho 84 hộ nghèo. Tặng quà cho 534 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi,. Tổ chức khám bệnh và cấp thuốc cho 269 lượt người nghèo. Hỗ trợ quà Tết, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; mua vật tư, cây, con giống để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất...

Năm 2020, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của tỉnh xuống còn 2,25% so với dân số toàn tỉnh, hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 11.279 hộ (giảm 1.600 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ 0,27%), 100%  gia đình có công cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động thực hiện phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau". Thực hiện tốt việc huy động các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp, ủng hộ để có thêm nguồn lực hỗ trợ nâng cao đời sống hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội theo quy định của Nhà nước như: Hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục, dạy nghề, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sản xuất,… cần ưu tiên tối đa cho các hộ nghèo có nhiều thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công và hộ nghèo đang hưởng trợ cấp hàng tháng.       

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cải thiện đời sống cho hộ bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...

Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.