Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiếp nhận và trưng bày cổ vật triều Nguyễn đấu giá thành công ở nước ngoài

Sáng 17/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tiếp nhận cổ vật đấu giá thành công ở nước ngoài do Tập đoàn Sunshine hiến tặng và thực hiện trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Chiếc Mũ quan đại thần triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Chiếc Mũ quan đại thần triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Các hiện vật Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn đã được hội đồng thẩm định với sự tham gia của các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà sưu tập cổ vật nhận định và đánh giá: đây đều là những cổ vật có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 gắn liền với đời sống cung đình triều Nguyễn, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Sự trở về của Chiếc Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn đã bổ sung vào nguồn cổ vật của một bảo tàng vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn về việc tiếp nhận cổ vật do Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine hiến tặng. Hai cổ vật do tập đoàn này đấu giá thành công tại Tây Ban Nha.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay sau đó, Sở đã thành lập Hội đồng giám định cổ vật. Hội đồng đi đến kết luận đây là hai cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn, gồm một chiếc mũ quan đại thần kèm hộp gỗ đựng mũ, và một áo Nhật Bình được cho là thuộc về bậc cung tần của triều đại này.

Về chiếc mũ quan đại thần triều Nguyễn, đây là chiếc mũ rất đẹp và gần như còn nguyên vẹn. Vành mũ có chu vi 59,2cm; cốt mũ làm bằng lông đuôi ngựa màu đen; trang sức trên mũ bằng vàng từ khoảng 8,5 tuổi. Các chuyên gia của Hội đồng giám định nhận định, chiếc mũ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, đây là chiếc mũ rất quý, thuộc về hàng quan đại thần hàm trên nhất phẩm, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; có thể xem là chiếc mũ quan hoàn chỉnh nhất trong hệ thống cổ vật mũ quan ở Việt Nam hiện nay.

Cùng với mũ là chiếc hộp đựng mũ quan đại thần triều Nguyễn. Hộp hình khối chữ nhật đứng, bằng gỗ, có đế, làm theo mô típ cung đình, bốn mặt vẽ tứ linh (long, lân, quy, phụng), riêng mặt long và phụng, bốn bên tạo thành khung vẽ trang trí để làm nổi bật hai linh vật quan trọng này. Đế hộp chạm trổ dây hoa lá cách điệu, bốn mặt đều như nhau tạo thế chân quỳ. Quai hộp được chạm trổ hai đầu rồng ở hai đầu. Toàn bộ hộp gỗ được sơn son thếp vàng. Hộp có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, có thể đánh giá đây là chiếc hộp hoàn chỉnh, mang tính mỹ thuật cao, đi kèm chiếc mũ đại thần triều Nguyễn tạo thành bộ cổ vật hoàn chỉnh.

Với chiếc áo Nhật Bình, đây cũng là một cổ vật có giá trị. Áo có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, đây là chiếc áo của bậc cung tần bậc cao trong cung, màu sắc và trang trí độc đáo, là hiện vật quý hiếm và có giá trị.

Sự kiện thu hút đông đảo người tham dự

Sự kiện thu hút đông đảo người tham dự

Theo ông Hải, sự kiện hai cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn “trở về” với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương các cổ vật quý của Việt Nam mà nhiều lý do khác nhau đã bị thất tán ra nước ngoài. Hành động quyết liệt tham gia đấu giá cổ vật của Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine và sau đó hiến tặng cho cố đô Huế rất cần được Nhà nước biểu dương, nhưng còn hơn thế, thông qua sự kiện này chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành những cơ chế chính sách thỏa đáng để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào công tác tìm kiếm, đấu giá và hiến tặng cổ vật cho Nhà nước.

Sự trở về của Chiếc Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình đã bổ sung vào nguồn cổ vật của một bảo tàng vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế

Sự trở về của Chiếc Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình đã bổ sung vào nguồn cổ vật của một bảo tàng vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực sưu tầm, tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, trong đó đã đấu giá thành công chiếc xe kéo cầm tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh vào năm 2014. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, thì việc tham gia đấu giá và hiện tặng cổ vật cho bảo tàng của các đơn vị, cá nhân là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, hướng đến lợi ích cộng đồng. Việc làm này góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật của bảo tàng, đa dạng hóa trưng bày, đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu ngày càng cao của du khách và nhân dân. Đưa hiện vật vào bảo tàng là tri ân quá khứ, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc đến với công chúng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, việc tiếp nhận và trưng bày cổ vật đấu giá thành công ở nước ngoài mang ý nghĩa của “nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản”. Các cổ vật này sẽ được Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy tại không gian trưng bày bảo tàng, góp phần quảng bá văn hóa Huế đến với công chúng.

Sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm trưng bày các cổ vật triều Nguyễn vừa tiếp nhận tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Triển lãm sẽ mở cửa miễn phí hàng ngày từ 17/4/2022 đến 17/5/ 2022 để người dân, du khách cùng chiêm ngưỡng.  

Cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn “trở về” với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương các cổ vật quý của Việt Nam

Cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn “trở về” với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương các cổ vật quý của Việt Nam

Empty
Empty
Cận cảnh chiếc Mũ quan đại thần triều Nguyễn vừa được đưa trở về từ nước ngoài

Cận cảnh chiếc Mũ quan đại thần triều Nguyễn vừa được đưa trở về từ nước ngoài

Empty
Chiếc họp đi cùng Mũ quan đại thần

Chiếc họp đi cùng Mũ quan đại thần

Áo Nhật bình

Áo Nhật bình