Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiếp sức cho thanh niên nhờ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Từ năm 2018 đến nay, tổng nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh T.Ư Đoàn tại Bắc Giang là hơn 2,4 tỷ đồng, giải ngân cho vay 29 dự án khởi nghiệp của thanh niên. Cùng đó, UBND TP Bắc Giang và các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang cũng bố trí nguồn kinh phí cho vay giải quyết việc làm cho thanh niên với tổng dư nợ hơn 3,2 tỷ đồng.

Chàng trai người dân tộc Nùng Lê Văn Phao (SN 1989), ở thôn Hố Dầu, xã Cẩm Lý (Lục Nam - Bắc Giang) hiện là một trong 15 thành viên của Câu lạc bộ Làm kinh tế giỏi xã Cẩm Lý. Nhớ lại quá trình khởi nghiệp của mình, Pao cho biết, năm 2009, sau khi lập gia đình, tài sản của gia đình anh chỉ có  hơn 7 sào vườn đồi trồng bạch đàn, vải thiều. Đất cằn cỗi mà không có vốn để cải tạo, cây trồng lâu năm không mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình không có thu nhập.  Quyết tâm vượt lên cái nghèo, năm 2012, chàng trai người Nùng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thêm sự giúp đỡ của người thân để khởi nghiệp với mô hình nuôi gà lai chọi với gần 300 con để thăm dò thị trường và tích lũy kinh nghiệm chăm sóc. May mắn là những lứa đầu xuất bán thuận lợi, được giá (từ 100 - 130 nghìn đồng/kg) nên đã có lãi. Xác định được hướng đi, anh Phao ấp ủ dự định mở rộng quy mô sản xuất.

“Thời điểm năm 2018, tôi muốn cải tạo chuồng trại, mua thức ăn, thuốc ngừa bệnh để tăng đàn nhưng thiếu vốn. Giữa lúc đó, tôi được Đoàn Thanh niên xã tư vấn, hỗ trợ thủ tục để vay vốn ưu đãi từ Quỹ. Với số tiền vay 50 triệu đồng lãi suất thấp, tôi đã thực hiện được dự định của mình”, anh Phao chia sẻ. Đến nay, với quy mô đàn gà lai chọi từ 5-6 nghìn con thương phẩm và 2 nghìn gà giống, mỗi năm thu hai lứa, gia đình anh có lãi gần 300 triệu đồng.  Từ thành công của bản thân, Pao tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tư vấn về con giống, kỹ thuật chăn nuôi gà cho thanh niên trong xã, giúp các bạn trẻ có cơ hội vươn lên.

Lê Văn Pao thành công với mô hình chăn nuôi nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Lê Văn Pao thành công với mô hình chăn nuôi nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Trong khi đó, anh Đào Ngọc Quảng (SN 1990), thôn Song Khê 2, xã Song Khê (TP Bắc Giang) sau khi được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lại chọn  dự án kinh doanh vận tải.  Năm 2018, sau thời gian làm lái xe tự do, được sự gợi ý, ủng hộ của gia đình, anh Quảng thành lập Công ty TNHH Vận tải Ngọc Quảng. Năm 2019, anh Quảng vay 300 triệu đồng từ Quỹ để mua thêm hai chiếc xe tải. Mới đây, để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh tiếp tục được tổ chức đoàn thanh niên hỗ trợ thủ tục vay 1 tỷ đồng từ Quỹ và nguồn giải ngân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ (Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH).  Anh chia sẻ: “Có vốn vay, tôi mua thêm một chiếc xe nâng, dùng một phần làm vốn lưu động và trang trải chi phí thuê kho bãi trung chuyển”.

Ban đầu với hai chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng, đến nay, doanh nghiệp của anh đã có 16 xe chuyên vận chuyển thành phẩm hàng may mặc, linh kiện điện tử, nhựa gia công cho các nhà máy trong khu công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. công ty của anh đã tạo việc làm cho 20 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương với thu nhập ổn định từ 10-14 triệu đồng/người/tháng. 

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 73,5 nghìn đoàn viên, trong đó có khoảng 30,9 nghìn đoàn viên ở nông thôn. Anh Vũ Tuấn Anh, Trưởng Ban Phong trào thanh niên (Tỉnh đoàn Bắc Giang ) cho biết, phong trào khởi nghiệp đang thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. Các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp, dịch vụ do thanh niên làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, trong đó tiếp sức cho thanh niên có nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm

Đáp ứng nhu cầu vay vốn của đoàn viên, các cấp bộ đoàn luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ được tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi. Qua thống kê, đánh giá về nhu cầu, mức độ thiếu vốn, đơn vị chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch cho vay hằng năm, tổ chức thẩm định, bảo đảm giải ngân nhanh chóng, thuận lợi và đúng đối tượng. 

Đồng thời phân công cán bộ đoàn cơ sở thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay của đoàn viên, nắm bắt tình hình thực hiện dự án và đôn đốc trả lãi đúng hạn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, toàn tỉnh hiện có gần 600 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.