Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khai quật khảo cổ tại Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ

(Dân sinh) - Ngày 9/1, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật nội thành Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Thông tin tại buổi làm việc, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong hai năm 2020-2021, đoàn khảo cổ đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000m2. Đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật. Cuộc khai quật đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần - Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời LêT rung Hưng. Như vậy, với việc phát hiện trên 20 đơn nguyên kiến trúc các thời kỳ trong lịch sử đã khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ và đã được UNESCO vinh danh năm 2011.

Các đại biểu tham quan, khảo sát tại thực địa

Các đại biểu tham quan, khảo sát tại thực địa

Cuộc khai quật đã bước đầu thu được kết quả hết sức khả quan: Đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là Nền Vua). Theo sự tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay.

Đã xác định tổ hợp kiến trúc phía Đông Nam khá hoàn chỉnh được tương truyền đó là Đông Thái Miếu thờ tổ tiên của nhà Hồ. Nếu xác định điều này là chính xác thì đây cũng là một dấu tích Tổ miếu thuộc loại cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam.

A2

Cuộc khai quật cũng bộc lộ lòng đất thành Nhà Hồ đang còn tiềm ẩn rất nhiều các di tích tích kiến trúc khác. Tất cả đều được quy hoạch, bố trí hết sức quy chuẩn, đồng bộ, hài hòa, bài bản, các kiến trúc được được xây dựng với nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại hình kiến trúc, vật liệu xây dựng trong nhiều thời kỳ khác nhau…

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: “Các cuộc khai quật với nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua các cuộc khai quật đã chứng minh giá trị từ sự nguyên vẹn của những nền móng kiến trúc được bảo tồn với chất lượng rất tốt dưới lòng đất trong hơn 600 năm qua tại Di sản Thành nhà Hồ - điều mà không phải di sản nào trong khu vực và trên thế giới có thể có được. Đồng thời, đây cũng là minh chứng khẳng định nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ theo đúng tinh thần công ước 1972 của UNESCO”.

A3

Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các chuyên gia trong việc đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Ngài Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đề nghị Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cần tiếp tục làm tốt công tác tư liệu hóa quá trình nghiên cứu, khai quật và từng bước phát hiện được các hiện vật một cách chi tiết, kỹ lưỡng hơn nữa; tiến hành thực hiện bản đồ quét bằng công nghệ quét không xâm lấn, từ đó góp phần mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác khai quật. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ sẽ là bằng chứng tin cậy để trong tương lai có thể tái hiện hay phục dựng được một phần nào đó di sản. Bên cạnh đó, cần chia sẻ những kết quả khai quật thông qua các hội thảo khoa học quốc tế để thu thập ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước; từ đó có thêm bằng chứng tin cậy và ý tưởng cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản thế giới Thành Nhà Hồ trong tương lai...