Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiếp tục làm tốt công tác dự phòng, cai nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên

(Dân sinh) - Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp số 1018/KH-BLĐTBXH-BGDĐT về công tác dự phòng nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên đến năm 2020 với mục tiêu tác động tích cực đến đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên (HSSV) và lan tỏa đến gia đình, bạn bè và người thân của nhóm này.

Học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy mới, rất khó phát hiện

Trước đây, thuốc phiện và một số chất ma túy tự nhiên thẩm lậu vào trường học đã gây ra nhiều nỗi đau, nỗi ám ảnh của những gia đình có con em nghiện, hệ lụy đó kéo dài đến nhiều năm sau. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án phòng, chống và cai nghiện ma túy trong trường học. Dự án đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ từ chính sách đến các nguồn lực, từng bước đẩy lùi được ma túy ra khỏi học đường.

Tiếp tục làm tốt công tác dự phòng, cai nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

Tiếp tục làm tốt công tác dự phòng, cai nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều hoạt động ma túy đã và đang quay trở lại "thẩm lậu" vào trường học. Nhiều chất ma túy đa dạng hơn, sử dụng cũng đơn giản hơn rất nhiều khiến không ít HSSV, thầy cô và gia đình các em rất khó phát hiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ATS). Chúng ta có thể bắt gặp nhiều thanh niên, HSSV "ngáo đá", dễ dàng thấy cảnh các em  nhỏ tuổi hút shisha, uống "nước vui", dùng "bùa lưỡi"... mà không biết thực chất đang uống, hút chất gì. Những sản phẩm thông thường như "keo chó" cũng có thể khiến thanh thiếu niên "phê", và đặc biệt nguy hiểm khi "nấm cười", "cỏ mỹ", thuốc gây mê, gây tê cho động vật có thể coi là chất độc thì giờ đây dưới bàn tay của các nhóm "tội phạm công nghệ cao, hiểu biết về khoa học" biến thành những chất ma túy mới.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần có những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để tiến tới đẩy lùi hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.

Tuyên truyền tích cực đến đối tượng "đích"

Hiện số lượng giáo viên, HSSV chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước, việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, đặc biệt là công tác phòng chống, dự phòng nghiện sẽ không những tác động tích cực đến đội ngũ nhà giáo và HSSV, mà còn có tính lan tỏa đến từng gia đình, bạn bè và người thân của nhóm này.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết, tăng cường công tác dự phòng nghiện là việc làm mang tính "khẩn" ngay từ khi các em mới sử dụng ma túy thời gian ngắn, chứ không để nghiện lâu rồi mới can thiệp thì rất khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà trường, thầy cô giáo cần chú trọng tuyên truyền tác hại, kỹ năng phòng tránh ma túy. Bộ cũng có kế hoạch giao việc kiểm tra - giám sát công tác dự phòng, cai nghiện trong HSSV các nhà trường, cơ sở giáo dục cho các Sở GD&ĐT địa phương chủ động vấn đề này.

Sau khi kế hoạch phối hợp được ký kết, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ; các Sở GD&ĐT; các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã đưa việc triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp là một nội dung chính trong Công văn chỉ đạo đợt cao điểm Tháng hành động phòng, chống ma túy hàng năm.

Tiếp tục làm tốt công tác dự phòng, cai nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên - Ảnh 2.

Học sinh THCS Phương Liệt tìm hiểu về các loại ma túy

Nhiều nhà trường đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động, đa dạng, phong phú cho học sinh, sinh viên về phòng, chống ma túy nói chung và dự phòng nghiện nói riêng. Cụ thể như hỗ trợ duy trì, nhân rộng câu lạc bộ phòng, chống ma túy tại Bến Tre, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng; tổ chức tọa đàm, tuyên truyền về phòng chống ma túy (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Đắk Lắk...); tổ chức cho học sinh tham gia Lễ phát động hưởng ứng ngày phòng, chống ma túy. 

Tổ chức giao lưu tìm hiểu về phòng chống ma túy Quảng Ninh, Hà Nội... Các nhà trường đã lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy vào nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với các môn học như: Giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, khoa học, hóa học, sinh học... và nhiều hoạt động đa dạng và phong phú khác. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống ma túy phù hợp với đơn vị như theo năm học, theo học kỳ, theo các chuyên đề, chủ đề, chủ điểm.

Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống ma túy; phối hợp tổ chức biên soạn bộ tài liệu phòng chống ma túy cho học sinh phổ thông, đây là đối tượng "đích" cần tuyên truyền.

Ngành GD đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học nhằm đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá công tác triển khai tại địa phương, cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp của ngành Giáo dục với các ngành khác ở địa phương chưa đồng đều dẫn đến địa phương nào quan tâm thì kết quả triển khai tốt, nhiều mô hình hay, nhưng những địa phương chưa quan tâm đúng mức thì công tác dự phòng nghiện triển khai rất hạn chế, đôi khi "bỏ lửng".

Kinh phí triển khai tổ chức các nội dung, hoạt động rất hạn hẹp. Nhiều địa phương tổ chức lồng ghép với các nội dung khác. Ngay cả kinh phí của Bộ GD&ĐT mỗi năm cũng chỉ được cấp khoảng 500 triệu (do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất theo Chương trình mục tiêu) do đó, việc tổ chức hoạt động, kiểm tra khảo sát tại địa phương... thường phải "co kéo" để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống ma túy còn có chồng chéo dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hình thức biến tướng tinh vi, xảo quyệt, manh động, không từ thủ đoạn để dụ dỗ lôi kéo HSSV phạm tội hoặc nghiện ma túy.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ông Tuấn cho biết thêm, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (Chỉ thị số 36-CT/TW); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW; Tổng kết hoạt động Kế hoạch phối hợp và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với HSSV, Đề án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến 2020" và Đề án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020", đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

Song song đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống thu nhận thông tin, thống kê, phân nhóm đối tượng trong toàn ngành giáo dục về học sinh phổ thông liên quan hoặc có nguy cơ liên quan đến vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội và bạo lực học đường. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin với các cơ quan, ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương để hoạch định chính sách, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy và bạo lực học đường.

Hoàn thành bộ tài liệu phòng chống ma túy cho học sinh phổ thông. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tài liệu, học liệu về tuyên truyền, giáo dục tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trong trường học.

Tăng cường xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống và cai nghiện ma túy, đặc biệt là tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ phụ trách công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống, cai nghiện ma túy nói riêng tại các cơ sở giáo dục, các trường học.