Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiết kiệm ngân sách để tập trung khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước để dành nguồn lực tập trung đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 là vấn đề mà các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tại phiên họp ngày 22/4 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019

Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước

Tiết kiệm ngân sách để tập trung khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, công tác THTKCLP trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình THTKCLP năm 2019; chậm báo cáo THTKCLP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2020, Chính phủ đề ra phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả"; quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan rộng, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của Nhân dân.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, hiện công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân; công tác huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư của xã hội để xây dựng một số cơ sở vật chất trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng còn có biểu hiện chưa công khai, minh bạch, lãng phí nguồn lực của xã hội; một số nơi tình trạng thương mại hóa lễ hội, lợi dụng xã hội hóa lễ hội để trục lợi vẫn còn xảy ra.

Cơ quan thẩm tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật.

Tiết kiệm ngân sách để tập trung khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là vừa thực hiện quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế,

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách Nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... để tập trung đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế.

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách

Giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ trong bối cảnh dịch bệnh

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, qua kinh nghiệm và ứng phó xử lý Covid-19 thời gian qua đã gợi ra cho tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại cách sống, cách kiểm soát để từ đó có hướng thay đổi các lễ hội, giao lưu…thì sẽ tiết kiệm được rất lớn không chỉ của Nhà nước mà của toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được rất nhiều cho đất nước, rất nhiều khoản tiết kiệm bình thường chưa làm được mà trong tình hình dịch bệnh đã thực hiện được tiết kiệm cho đất nước rất nhiều. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới tập trung nhiều ở lĩnh vực công, trong khi mục tiêu của Luật Thực hành tiết kiệm,chống lãng phí còn hướng đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực của xã hội, của người dân.

Tiết kiệm ngân sách để tập trung khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nói đến tiết kiệm, chống lãng phí thì không phải tiết kiệm tiền bạc mà trước hết là thời gian lao động, sức lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên. Thời gian lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên nằm ở trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong quá trình vận hành bộ máy hành chính nhà nước của cả hệ thống chính trị, trong chi tiêu thường xuyên, trong chi tiêu đầu tư công. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong đầu tư công hay chi tiêu công không chỉ có lãng phí khi chi tiền mà còn từ khâu chủ trương, lãng phí từ chủ trương cho tới thực hiện. Khi có chủ trương đúng nhưng thực hiện chậm, kéo dài, giải ngân không được coi như lãng phí. Nếu tiết kiệm được thời gian dẫn đến tiết kiệm được sức lao động, nhân lực và tiết kiệm tiền bạc bỏ ra, chi phí sẽ giảm đi. Thủ tục hành chính công mà làm nhanh thì người dân đỡ mất thời gian, công sức, đỡ tốn kém phải đi tới, đi lui nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ hiện nay còn một số mảng để xảy ra lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong vụ việc xuất khẩu gạo vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế thống kê quá trình diễn biến cho thấy những khó khăn, lúng túng trong thực hiện dẫn đến gây lãng phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa. Hay nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục hành chính gây lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay lễ hội quá nhiều. Mặc dù nói không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, tiền của doanh nghiệp tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân thì vẫn là lãng phí. Thay vì huy động tài trợ để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo, hay là huy động tham gia ứng phó biến đổi khí hậu thì lại huy động sức để bắn pháo hoa, để tổ chức lễ hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động, để tất cả những nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của Nhân dân, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ bản nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt hơn, phải tập trung để giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019, để không còn mắc lại trong năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý năm 2020 phải tính tới tình trạng dịch Covid-19, quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cũng phải có những thay đổi, phải đặc biệt chú ý đến công tác xử lý những hỗ trợ của nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, phải đến tay người dân, đồng thời có xử lý kịp thời trong tình hình mới.