Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiểu thuyết “Số đỏ” xuất bản tại Trung Quốc được đánh giá cao

(Dân sinh) - Dịch giả, PGS. Hạ Lộ cho biết: “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng mới ra mắt ở Trung Quốc, in lần thứ nhất với 5.000 bản. Hiện, tiểu thuyết Số đỏ phiên bản tiếng Trung đang được bán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc, và ngày càng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ độc giả. Sau “Số đỏ”, có thể sẽ còn nhiều tác phẩm văn học Việt khác tiếp tục được xuất bản ở đất nước này.

Tiếp theo "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh xuất bản tại Trung Quốc đầu năm 2019, tiểu thuyết "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng - tác phẩm văn học dịch bằng tiếng Việt thứ hai của dịch giả Hạ Lộ, PGS chuyên ngành tiếng Việt Đại học Bắc Kinh - tiếp tục ra mắt bạn đọc của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Tiểu thuyết “Số đỏ” xuất bản tại Trung Quốc được đánh giá cao - Ảnh 1.

Tiểu thuyết Số đỏ phiên bản tiếng Trung và tiếng Việt

Hạ Lộ cho biết trong quá trình dịch đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều bạn bè Việt Nam. Thời điểm mùa xuân 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chị thường ở nhà sửa bản thảo mỗi ngày và làm việc với cộng sự qua internet.

Tiểu thuyết “Số đỏ” xuất bản tại Trung Quốc được đánh giá cao - Ảnh 2.

PGS Hạ Lộ có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam.

Hạ Lộ hoàn thành bản thảo lần đầu của "Số đỏ" vào năm 2018. Trong quá trình dịch, chị không chỉ thường xuyên giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh, mà còn cho ra đời 2 bài viết phân tích về tác phẩm, với mục đích để độc giả Trung Quốc hiểu hơn về thân thế tác giả, bối cảnh ra đời của tác phẩm và giá trị nghệ thuật hàm chứa trong đó.

Hạ Lộ cho biết, chị là người Trung Quốc đầu tiên thử sức dịch "Số đỏ": "Tôi cảm thấy tên sách Số đỏ rất hay, có thể đem đến vận may cho tôi. Nhưng đây chỉ là nói đùa thôi! Với bất kì tác phẩm nào mình dịch, tôi đều suy nghĩ rất kỹ, yêu cầu tôi đặt ra cho bản thân là: nhất định phải dịch tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam. Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm, tác giả văn học Việt, muốn dịch cũng rất nhiều, nhưng thời gian và sức lực có hạn, chỉ có thể ưu tiên chọn dịch một vài tác phẩm ưu tú nhất. "Nỗi buồn chiến tranh" là tác phẩm như vậy, "Số đỏ" cũng là tác phẩm như vậy".

Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên phát hiện được giá trị đạt đến độ đỉnh cao về nghệ thuật trào phúng của tiểu thuyết Số đỏ. Và đây là tác phẩm đầu tiên được chọn cho dự án "Ngôi nhà Thủy tinh" (Glass House) dài hơi, chuyên giới thiệu tác phẩm văn học các nước Đông Nam Á của Trung Quốc.

Theo ông Châu Dật, Trưởng phòng biên tập văn học nước ngoài của Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên, cũng là Giám đốc xuất bản cuốn "Số đỏ", cho biết: "Độc giả Trung Quốc rất tò mò về các tác phẩm văn học Việt Nam. Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn của Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và văn hóa Việt Nam, vì vậy ông cũng là nhà văn đầu tiên lọt vào danh sách dự án của chúng tôi. Dù mới xuất bản, nhưng phản hồi của các chuyên gia, học giả, nhà báo, nhà văn tiếng tăm ở Trung Quốc về cuốn sách đều rất tích cực, họ "đánh giá rất cao nghệ thuật châm biếm sâu cay, sự quan sát sâu sắc đối với sinh thái xã hội và phong tục tập quán của nhà văn Vũ Trọng Phụng, và đã hiểu vì sao ông được mệnh danh là Balzac của Việt Nam".

Tiểu thuyết “Số đỏ” xuất bản tại Trung Quốc được đánh giá cao - Ảnh 4.

Tiểu thuyết Số đỏ lần đầu in thành sách năm 1938

Tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng đăng trên Hà Nội báo từ số 40 (ngày 7/10/1936) và lần đầu in thành sách năm 1938. Tiểu thuyết dài 20 chương, với nhân vật chính là Xuân Tóc Đỏ, đứa bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt. Một cơ may đã giúp cuộc đời Xuân rẽ sang trang mới, gia nhập giới thượng lưu. Thông qua những câu chuyện kể những mặt trái của xã hội đương thời được phơi bày. Tiểu thuyết Số đỏ được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11, với đoạn trích được đặt tên Hạnh phúc của một tang gia. Tác phẩm này cũng từng được dựng thành phim: Số đỏ (1990, đạo diễn Hà Văn Trọng, Lộng Chương), Trò đời (2013, có kết hợp với 2 tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng là Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô). Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng từng cho biết sẽ chuyển thể tác phẩm này thành phim điện ảnh, dự kiến khởi quay năm 2021.

Tăng Gia Tuệ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, từng biết đến văn học Việt qua "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh hay "Cảm tình viên" (The Sympathizer) của Nguyễn Thanh Việt, nhưng với cô "Số đỏ" là một câu chuyện rất khác của những năm 1930. "Thật khó tưởng tượng vào những năm 30 lại có một tiểu thuyết trào phúng châm biếm đến vậy. Có lúc đọc bạn thậm chí hoảng hốt rồi chợt hỏi đây là chuyện những năm 30 hay hiện tại? Cuốn tiểu thuyết này cũng rất có tính đại diện cho châu Á. Ngôn ngữ cuốn sách rất khác. Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết châm biếm. Đây là lần đầu tiên đến với tiểu thuyết loại này của Việt Nam. Trong đó ngôn ngữ nói được sử dụng với số lượng lớn, xen lẫn cả rất nhiều tiếng Pháp. Qua phần dịch của dịch giả Hạ Lộ có thể thấy sự biến hóa của ngôn ngữ là rất lớn".

PGS Hạ Lộ khoe, có một nhà văn Trung Quốc nói với chị, ông vừa đọc xong "Số đỏ" và cảm thấy ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết rất sinh động, đặt trong bối cảnh hiện nay cũng không lỗi thời. Ông còn đánh giá cao về tầm cao nghệ thuật trào phúng của tiểu thuyết, cho rằng nó không kém cạnh, thậm chí còn vượt cả nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc.

Hạ Lộ cho biết chị đang có ý định dịch thêm nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại để phát hành tại Trung Quốc.

Theo ông Châu Dật, tiếp theo "Số đỏ", Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên đang thẩm duyệt Tuyển tập tiểu thuyết đương đại Việt Nam, tập hợp tác phẩm của một số nhà văn như Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư... đồng thời lên kế hoạch xuất bản thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.