Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tín dụng chính sách giúp vùng “lõi nghèo” dân tộc thiểu số vươn lên

(Dân sinh) - Tín dụng chính sách xã hội dành cho vùng dân tộc thiểu số đã góp thêm sức mạnh thay đổi vùng “lõi nghèo” của cả nước

"Chính sách tín dụng dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hơn 10 năm qua đã góp thêm sức mạnh thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào mạnh dạn vay vốn, chuyển tư duy sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số, và miền núi, giúp cho đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội", Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, ông Dương Quyết Thắng đánh giá hành trình thực hiện tín dụng chính sách dành riêng cho khu vực này.

Chuyên biệt và đa dạng hóa đòn bẩy giúp giảm nghèo

Có thể khẳng định, với Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất, đã đánh dấu một một bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như quan điểm của Chính phủ trong việc chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ "cho không" sang "cho vay" có điều kiện.

Cùng với các chương trình tín dụng chính sách chung, các chính sách tín dụng mang tính đặc thù, riêng có với độ phủ ngày càng rộng và sâu đã tạo thêm những hiệu ứng đột phá mới cho khu vực miền núi và dân tộc thiểu số, đột phá mạnh vào vùng có tỷ lệ nghèo đói cao của cả nước.

Đó là Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 với việc phủ rộng thêm tín dụng chính sách đối với hộ dân tộc thiểu số ra 9/13 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu long giai đoạn 2008 - 2010. Tiếp đến, cuối năm 2013, Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài các chương trình này và mở rộng cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất ở, việc làm trong các Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg,Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg.

Từ sự tham mưu của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Theo nhận định, Quyết định 2085/QĐ-TTg đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trước đây như mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách đến hộ người Kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, mức cho vay tối đa bằng mức cho vay và thời hạn vay tối đa bằng chương trình cho vay hộ nghèo, gắn vốn tín dụng chính sách với phương án sản xuất, kinh doanh của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào, tạo động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.

Tại tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xây dựng 2 đề án đầu tư vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, đó là đề án "Đầu tư vốn cho vay phát triển kinh tế - xã hội huyện Bác Ái" với 95% là đồng bào dân tộc Raglai và đề án "Đầu tư hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ nghèo dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước phát triển chăn nuôi đàn bò sinh sản và bò thịt vỗ béo".

Với gần 60 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, các đề án trên đã giúp cho hộ nghèo có vốn đầu tư chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo, đồng thời giúp người dân làm quen và mạnh dạn với việc vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế.

Tại tỉnh Lào Cai, các huyện nghèo cũng đã chủ động xây dựng dự án và chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng để hỗ trợ người dân vùng khó và dân tộc thiểu số,mà Sa Pa là một điển hình. Với 15/17 xã đặc biệt khó khăn và gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, Hội đồng nhân dân huyện đã đưa vào Nghị quyết trích tối thiểu 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện hàng năm chuyển sang Ngân hàng chính sách để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cũng như các dự án trong tâm của huyện.

Tính đến 30/6/2019, tổng số nguồn vốn từ huyện chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 15,590 tỷ đồng. Hiệu ứng từ nguồn vốn ngân sách huyện thực hiện dự án chăn nuôi bò hàng hóa tại xã Thanh Kim sau 3 năm triển khai tới nay đã có tổng số 259 con bò và bê, bình quân mỗi hộ thuộc dự án đã có thêm từ 3 - 4 con.

Tín dụng chính sách giúp vùng “lõi nghèo” dân tộc thiểu số vươn lên - Ảnh 1.

Vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay của gia đình ông Sùng A Khua (dân tộc Mông) ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)

Lan tỏa hiệu ứng chính sách nhân văn

"Đảng, Chính phủ luôn quan tâm đến các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số, và miền núi luôn được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cũng là vùng phên dậu quốc gia, Ngân hàng đã luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số, một cách nhanh, hiệu quả nhất", Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định.

"Chính sách tín dụng đối với khu vực miền núi, đồng bào DTTS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Nhìn lại 12 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 2 triệu hộ dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở... góp phần tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25% (giai đoạn 2007 - 2015); giai đoạn 2016 - 2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,35%.

Tín dụng Chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tạo được lòng tin của Đảng đối với dân và dân đối với Đảng, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đến cuối tháng 8/2019 dư nợ cho vay khu vực miền núi và dân tộc thiểu số đang đạt 2.342 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo dựng sinh kế và cải thiện đời sống cho 163.694 hộ .

Hiện nay, tốc độ giảm nghèo của hộ dân tộc còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa để giảm nghèo  vùng dân tộc thiểu số, không chỉ đi đồng tốc với giảm nghèo chung cả nước mà còn phải có những bứt phá mạnh hơn để giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập, rút ngắn khoảng cách thu nhập với bình quân chung của cả nước.

Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hôi kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương mình để từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Ngân hàng mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

"Các cấp chính quyền cần chỉ đạo gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách xã hội với mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tập trung tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi...", Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nói.

Đến 31/8/2019 có trên 14,6 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 30,4 triệu đồng/hộ, qua đó đã cải thiện đời sống cho 14,6 triệu đồng bào DTTS (chiếm 14% dân số cả nước).