Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tín dụng chính sách góp phần phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch

(Dân sinh) - Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong thời gian từ năm 2022 đến hết năm 2023. Tại Thanh Hóa, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã góp phần quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Phóng viên (PV) Báo Dân Sinh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

PV: Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả như thế nào ?

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hoá đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với NHCSXH rà soát đối tượng vay vốn và triển khai các chương trình cho vay đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời chi nhánh đã chỉ đạo  Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo rà soát đối tượng thụ hưởng và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Giải ngân vốn vay tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Nga Trường, huyện Nga Sơn

Giải ngân vốn vay tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Nga Trường, huyện Nga Sơn

Tính đến ngày 31/10/2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện cho vay được 4 chương trình tín dụng với tổng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 332,2 tỷ đồng, hoàn thành 93,5% kế hoạch. Trong đó: Cho vay hỗ trợ việc làm là 150 tỷ đồng (hoàn thành 100%); Cho vay nhà ở xã hội là 139,2 tỷ đồng /146 tỷ đồng  (hoàn thành 89,2%); Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là 37,1 tỷ đồng/43 tỷ đồng (hoàn thành 86,3%); Cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 5,9 tỷ đồng /6,4 tỷ đồng  (hoàn thành 92,5%).

PV: Trong quá trình thực hiện, có những khó khăn, vướng mắc nào cần phải tháo gỡ ?

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Hiện nay, trong quá trình thực hiện cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, do UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu văn bản hướng dẫn rà soát đối tượng thụ hưởng nên trên địa bàn các huyện trong tỉnh chưa có danh sách phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách để làm căn cứ để cho vay.

PV: Ông có đánh giá như thế nào việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương ?

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Việc thực hiện kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các cấp các ngành đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, phục hồi, phát triển kinh tế và xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh.

Đối với NHCSXH đã tập trung cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đến nay đã giải quyết cho vay được 1.912 lao động có việc làm ổn định, giúp 377 khách hàng được vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo nhà để ở; hơn 3,7 nghìn học sinh viên được vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và 74 cở sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid được vay vốn để phục hồi, duy trì hoạt động.

PV: Để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã có những hướng triển khai nào trong việc hỗ trợ người dân ?

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục Tham mưu cho Cấp uỷ, chính quyền địa phương và phối hợp với các Sở, ban, ngành đoàn thể thường xuyên rà soát nhu cầu vốn các chương trình tín dụng nói chung và các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP nói riêng, từ đó kịp thời đề nghị Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn, cũng như huy động nguồn lực tại địa phương để thực hiện cho vay.

Bên cạnh đó Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc, các Sở, ban, ngành, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa để sớm có danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách kịp thời cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.

Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo, đài tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chương trình tín dụng ưu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để đông đảo người dân biết và triển khai thực hiện kịp thời; đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát quá trình thực hiện chính sách đảm bảo việc triển khai chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch; kịp thời phản ánh thông tin lợi dụng, trục lợi chính sách.

Tăng cường phối hợp các Sở, ban ngành đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

PV: Xin cảm ơn ông !